"Người đứng đầu yếu kém việc tiếp dân dẫn tới những khiếu tố bức xúc"
(Dân trí) - Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2016 và đầu năm 2017 có tới 49/63 địa bàn có công dân đến địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự.
Ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các cơ quan thi hành án 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Nguyễn Thắng Lợi, mặc dù công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao nhưng lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Tổng cục Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp còn nhiều.
Thống kê cho thấy, năm 2016 và đầu năm 2017 có tới 49/63 địa bàn có công dân đến địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự. Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp nhận và xử lý gần 6.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị. Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, yêu cầu được lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp còn nhiều và ở hầu hết các vụ việc, người dân cũng bức xúc với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương.
Qua phân loại, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận thấy các hạn chế, yếu kém trong công tác này tập trung ở một số địa phương như Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Bình Định, Thái Nguyên, TPHCM. Ở các địa phương này đã xuất hiện tình trạng người đứng đầu có yếu kém về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có tình trạng nể nang, bao biện cho Chấp hành viên, nhận thức pháp luật để giải quyết việc thi hành án có lúc còn chưa đầy đủ…
Ông Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh, công tác thi hành án dân sự đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành. Chính vì thế thi hành án các địa phương cần nâng cao nhận thức, làm đúng chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định.
Lưu ý đặc trưng của thi hành án hành chính là “tự thi hành”, cơ quan thi hành án dân sự chỉ tham gia vào quá trình đó với vai trò là cơ quan theo dõi chứ không thực hiện tổ chức thi hành nhưng ông Hoàng Sỹ Thành yêu cầu, qua theo dõi phải xây dựng được bức tranh tổng thể, để từ đó có những căn cứ đầy đủ, chính xác, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, không được nể nang khi giải quyết các sai phạm.
“Đặc biệt, cần phải gắn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, kể cả người làm công tác quản lý trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo để đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp”- ông Thành nhấn mạnh.
11 Cục Thi hành án dân sự xếp hạng C, D năm 2016
Trao đổi với lãnh đạo 11 Cục Thi hành án dân sự địa phương năm 2016 xếp hạng C, D, ông Hoàng Sỹ Thành yêu cầu tập trung khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế thời gian qua để đưa đơn vị được xếp hạng cao hơn. Ông đề nghị các địa phương chủ động củng cố, kiện toàn đội ngũ, không ngại thực hiện quy trình bổ nhiệm với cán bộ trẻ song có đủ năng lực, trình độ; đồng thời kiên quyết xử lý những lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự yếu kém theo phương châm công tâm, khách quan.
Theo ông Mai Lương Khôi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, trong số 11 Cục Thi hành án dân sự trên, có 4 Cục chỉ hoàn thành 1/4 chỉ tiêu (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Sóc Trăng), 2 Cục hoàn thành 2/4 chỉ tiêu (Quảng Trị, Quảng Ngãi), 4 Cục còn lại hoàn thành 3/4 chỉ tiêu (An Giang, Quảng Bình, Lạng Sơn, Hải Dương), còn lại Hậu Giang tuy hoàn thành 4/4 chỉ tiêu thi hành nhưng đơn vị có công chức bị xử lý kỷ luật hoặc có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ nên theo quy định xếp hạng C.
Tồn tại, hạn chế của 11 Cục Thi hành án dân sự xếp hạng C, D năm 2016 chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; Công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát bị buông lỏng; Một bộ phận công chức (đặc biệt là chấp hành viên và kế toán viên) thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự; Một số đơn vị có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ.
Thế Kha