Tổng thư ký Quốc hội giải thích việc đại biểu vắng “trống” hội trường

(Dân trí) - Hình ảnh những chiếc ghế trống “trắng” cả hội trường tại buổi khai mạc phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình ngày 13/6 vừa qua được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải là do sự cố bất khả kháng, các đại biểu đến muộn 2 phút vì cơn mưa lớn tại Hà Nội sáng sớm hôm đó.

Tổng thư ký Quốc hội là người chủ trì cuộc họp báo chiều 21/6 công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV vừa diễn ra.

Một trong những nội dung ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi là phản ánh trên một tờ báo về việc các đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều, “trống” cả hội trường trong buổi khai mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3.

Tổng Thư ký Quốc hội lý giải, sáng sớm hôm đó, ngày 13/6, Hà Nội có mưa rất lớn trên diện rộng, gây ngập, tắc nhiều tuyến đường đúng giờ công sở. Các đại biểu Quốc hội có những đoàn di chuyển bằng xe ô tô chung để tới hội trường, trong đó có những đoàn ở khá xa như khu vực Đội Cấn (Ba Đình) hay Tây Hồ..., khi đường ngập, tắc ở nhiều khu vực, một số xe đến chậm so với giờ họp (8h sáng).

Tuy nhiên, việc chậm, muộn này chỉ trong 2 phút – ông Phúc nhấn mạnh. Ngay khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu đôi lời khai mạc phiên chất vấn thì các đoàn đại biểu Quốc hội cũng tới đầy đủ.

“Đây là phiên họp được tường thuật trực tiếp, thực sự không đại biểu nào muốn tới muộn, chỉ vì lý do bất khả kháng. Thậm chí, trong phiên chất vấn, đại biểu cũng đều rất muốn đến sớm để còn đăng ký phát biểu, chất vấn, vì nếu đến muộn sẽ không đến lượt” – Tổng thư ký Quốc hội giải thích.

Vấn đề khác được đặt ra với ông Phúc là việc UB Quốc phòng An ninh phải gửi đến các đại biểu Quốc hội văn bản đính chính nội dung luật Cảnh vệ vừa được Quốc hội thông qua trước đó, dù chỉ là chỉnh lại về câu chữ.

Ông Phúc xác nhận việc này và thông tin thêm, trong kỳ họp có 2 lần các cơ quan phải gửi văn bản đính chính tới các đại biểu về nội dung một số dự án luật chứ không chỉ trường hợp của luật Cảnh vệ.

Do khối lượng công việc quá lớn, các cơ quan phục vụ dù đã làm việc liên tục, làm ngày làm đêm, làm cả thứ Bảy, Chủ nhật nhưng cũng khó tránh khỏi sai sót.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng khẳng định, việc điều chỉnh chi tiết trong luật Cảnh vệ đã được UB Quốc phòng gửi công văn tới đại biểu trước giờ bấm nút biểu quyết chứ không phải sau khi Quốc hội đã thông qua luật này. Cụ thể là trong hồ sơ về dự án luật để trên bàn mỗi đại biểu đầu buổi sáng, trước phần biểu quyết thông qua, đã có đính kèm bản đính chính.

Như vậy, ông Phúc khẳng định, khi bấm nút, các đại biểu đều có đầy đủ thông tin về vấn đề liên quan đến dự án luật này.

Xác nhận có sai sót nhưng Tổng Thư ký nhấn mạnh, sự cố đã được phát hiện, khắc phục kịp thời trước khi Quốc hội quyết định nội dung này.

Lùi dự luật phải sửa 95 luật liên quan

Lý giải việc luật Quy hoạch phải rút ngay trước ngày thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, luật này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng tới 95 luật khác chứ không chỉ hơn 30 luật như danh sách thống kê của Bộ KH-ĐT.

“Quốc hội băn khoăn là từ nay đến 2019, thời điểm dự kiến có hiệu lực của luật Quy hoạch nếu được thông qua, có sửa hết nổi 95 luật cho đồng bộ không, thậm chí là liệu đã rà soát hết diện tác động, ảnh hưởng chưa. Vậy nên UB Thường vụ Quốc hội xin lùi lại cho kỳ họp tới để làm cho thận trọng, đầy đủ” – Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Với luật Tố cáo cũng được rút lại, chưa thông qua tại kỳ họp này, ông Phúc khái quát, các ý kiến phát biểu trên hội trường vừa qua cho thấy còn rất nhiều quan điểm khác nhau, nhất là về các nội dung như có chấp nhận giải quyết tố cáo nặc danh, tố cáo qua emai, điện thoại hay không, nên Quốc hội quyết định kéo dài thêm 1 kỳ nữa để thảo luận cho thấu đáo. Trước khi đi đến quyết định này, UB Thường vụ Quốc hội cũng gửi phiếu xin ý kiến tới các đại biểu Quốc hội và đa số đại biểu đồng tình để dự án luật này lại cho kỳ họp cuối năm.

Nhấn mạnh về những thay đổi tại kỳ họp thứ 3, Tổng thư ký cho biết, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ (thông qua tới 12 luật, 12 nghị quyết) với tinh thần dân chủ, đổi mới, chuyển dần từ một Quốc hội phát biểu sang Quốc hội tranh luận.

Theo đó, ông Phúc nói, trong các phiên thảo luận, các đại biểu hết sức tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ mà tranh luận với các đại biểu khác để làm rõ vấn đề, cho đồng bào cử tri theo dõi và để các đại biểu cùng hiểu thêm vấn đề. Tổng Thư ký Quốc hội nhận định, đây là điểm mới cần phát huy.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội nhiều lần làm những việc “lần đầu tiên” thực hiện như kéo dài thêm thời lượng phiên thảo luận kinh tế xã hội đến 18h30. 1,5 tiếng làm việc thêm đã giúp thêm 15 đại biểu được nêu ý kiến. Ông Phúc chia sẻ, sau nhiều khoá, lần đầu tiên ông chứng kiến một phiên thảo luận kéo dài với kỷ lục tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu. Một phiên thảo luận tự do cho các đại biểu còn băn khoăn về việc sửa Bộ luật Tố tụng hình sự cũng được tổ chức thêm vào ngày thứ 7.

Ngoài ra, kỳ chất vấn kéo dài thêm nửa ngày, với tổng thời lượng trọn 3 ngày làm việc để thêm cơ hội cho người hỏi và trả lời chứ không phải thêm đối tượng đăng đàn (vẫn ấn định 4 Bộ trưởng và 1 Phó Thủ tướng), Tổng thư ký Quốc hội cũng nhận định là mang lại hiệu quả tích cực.

P.Thảo