Tiền polymer giả, có không?
Thời gian qua có thông tin về việc xuất hiện tiền giả bằng chất liệu polymer. Có tiền giả polymer không, làm sao nhận biết tiền giả nhái tiền polymer? Ông Hồ Hữu Hạnh - phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TPHCM - cho biết:
Khi tiền polymer được đưa vào lưu thông thì lượng tiền giả đã giảm hẳn, nếu có cũng chỉ là tiền in nhái theo tiền polymer trên chất liệu giấy thông thường, không phải chất liệu polymer nên cũng dễ bị phát hiện.
Công nghệ in tiền trên chất liệu polymer rất phức tạp, đang được độc quyền, vì vậy việc “đầu tư” nghiên cứu công nghệ này để làm tiền giả không đơn giản cả về kỹ thuật - công nghệ lẫn “hiệu quả kinh tế” hiểu theo nghĩa của kẻ xấu.
Người dân khó có thể nhớ được hết cách nhận biết tiền giả nhái tiền polymer như NH Nhà nước đã thông báo. Vậy cách nào đơn giản nhất để phát hiện tiền giả nhái tiền polymer?
Ngày 17/12/2003, NH Nhà nước chính thức đưa vào lưu hành tiền 50.000 đồng và 500.000 đồng bằng chất liệu polymer. Tiền 100.000 đồng polymer cũng đã được đưa vào lưu hành ngày 1/9/2004. Cuối tháng 1/2005, NH Nhà nước thông báo đã phát hiện tiền giả có hình thức giống tiền 50.000 đồng polymer, đồng thời đưa ra thông báo cách nhận biết tiền giả 50.000 đồng. Tháng 3/2005, NH Nhà nước công bố đã phát hiện một số tờ tiền giả có hình thức giống loại tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng và thông báo cách nhận biết tiền 100.000 đồng giả. |
Nếu thấy tờ tiền có vết rách ở mép thì cần phải kiểm tra cẩn thận vì hiện tượng này ít xảy ra đối với tiền in trên giấy polymer. Một số thông tin nói rằng tiền giả được in chất liệu giấy cotton cũng không chính xác, thật ra chỉ là loại giấy thông thường, không cao cấp được như chất liệu cotton vì thế rất dễ rách.
Cách thứ hai là soi ô cửa sổ nhỏ trong suốt của tờ tiền trước nguồn sáng đỏ, nếu không thấy hình hoa văn thì đó là tiền giả. Cách soi như sau: vào nơi hơi tối, để ô cửa sổ nhỏ của tờ tiền sát mắt và nhìn tập trung về nguồn sáng đỏ (như bóng đèn tròn, ngọn nến, que diêm, quẹt gas…).
Khi đó sẽ nhìn thấy trong ô cửa sổ nhỏ xuất hiện hình có màu ngũ sắc, với tiền 50.000 đồng polymer là chữ VN đối xứng nhau, với tiền 100.000 và 500.000 đồng polymer là hình hoa thị. Trong điều kiện bình thường, ô cửa sổ nhỏ trong suốt, không thể thấy được các hình hoa văn này.
Cách thứ ba là quan sát hai ô cửa sổ lớn và nhỏ trên tờ tiền. Tiền giả được khoét thủng giấy sau đó dùng màng nilông trong suốt để dán lên tờ giấy, vì thế bằng mắt thường hoặc dùng tay có thể nhận ra vết dán quanh mép hình cửa sổ. Ngoài ra còn một số biện pháp nhận diện khác nếu có thiết bị như đèn cực tím.
Vì sao NH Nhà nước lại cho rằng không loại trừ bọn xấu làm giả cả tiền 500.000 đồng?
Theo kinh nghiệm của các nước, sau một thời gian đưa vào lưu thông, các mẫu tiền mới cũng sẽ bị làm giả, chỉ khác là mức độ tinh vi khác nhau, tùy thuộc các chất liệu và kỹ thuật bảo an của tờ tiền. Mỹ đưa ra tờ 100 USD mới, áp dụng nhiều kỹ thuật tinh vi, hiện đại để chống giả nhưng ngay sau đó cũng đã có tiền giả. đồng euro cũng thế, số lượng tiền giả đã phát hiện cũng khá nhiều.
Vì vậy, dù tiền polymer có nhiều ưu điểm về chống giả nhưng NH Nhà nước vẫn cần phải lưu ý người dân để tránh tâm lý chủ quan mà không cẩn thận trong giao dịch, thanh toán. Nếu chủ quan, một lượng nhỏ tiền giả được để lẫn với tiền thật trong điều kiện trời tối thì vẫn bị nhầm lẫn. Vì vậy, NH Nhà nước đã thông báo không loại trừ bọn xấu cũng sẽ làm giả cả tiền 500.000 đồng, để người dân luôn cảnh giác phòng trừ tiền giả.
Sáng 24/8, ông Nguyễn Văn Toản, cục phó Cục Phát hành - kho quĩ (NH Nhà nước), khẳng định các báo cáo cho biết số tiền giả đã được cơ quan công an phát hiện ở Đà Nẵng hôm 20/8 là tiền được in nhái theo mẫu tiền 100.000 đồng polymer, chất liệu in tiền giả chỉ là giấy thông thường. Loại tiền này cũng giống như loại tiền giả đã từng phát hiện trước đó và NH Nhà nước đã có thông báo rộng rãi về cách nhận diện loại tiền giả này. Ông Toản cũng khẳng định đến nay vẫn chưa phát hiện tiền giả in trên chất liệu polymer. |
Theo T.TU.
Báo Tuổi trẻ