Tiêm thuốc cho kẻ bệnh hoạn để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ, trẻ em?
(Dân trí) - Tại cuộc họp giám sát của Quốc hội về vấn nạn xâm hại trẻ em chiều 15/1, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh thông tin, nhiều nước hiện đã phát triển những loại thuốc mà khi tiêm cho kẻ bệnh hoạn sẽ làm triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bà Khánh cho rằng, Việt Nam cũng có thể làm được như vậy…
Số liệu chưa phản ánh đúng tình hình
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, số trẻ em trên toàn quốc là 26,3 triệu người, chiếm gần 27% dân số cả nước.
Những vấn đề cần được quan tâm, theo đoàn giám sát là có đến 11.530 trẻ chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống.
Số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo, năm 2018 có 2.857.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 10,8% tổng số trẻ em, có 82.464 trẻ em có cha mẹ ly hôn, trong đó, số trẻ em dưới 7 tuổi là 43.718 trẻ.
Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 1/1/2015-30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em (1.059 em nam, 7.032 em nữ).
So với giai đoạn 2011-2014 thì số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tỷ lệ 12,2%. Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.
Hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục trẻ em: hơn 6.300 vụ, hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại, chiếm tới 79,5% tổng số trẻ em bị xâm hại; chiếm 81,3% các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.
Trong các hình thức xâm hại tình dục trẻ em thì chủ yếu là: hiếp dâm trẻ em (gần 2.200 trẻ), dâm ô đối với trẻ em (gần 1.100 trẻ), giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (hơn 3.100 trẻ).
Một hình thức xâm hại phổ biến nữa là số trẻ em bị bỏ rơi với số lượng rất lớn trong các năm 2016- 2018 lên tới gần 470.000 trẻ, nhưng vẫn tiếp tục tăng theo từng năm.
Đáng chú ý nữa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện…
Ngoài ra, còn rất nhiều hành vi xâm hại trẻ em nhưng chưa bị phát hiện, xử lý do các đối tượng thực hiện các hành vi này ở những địa bàn, địa điểm vắng vẻ, biệt lập, lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả,… nên việc thu thập thông tin, điều tra của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Bêu mặt kẻ xâm hại trẻ em để người dân tránh xa
Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, Uỷ viên thường trực UB Khoa học- Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Hà Nội) cho rằng báo cáo chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết tình hình.
Theo bà Khánh, báo cáo mới liệt kê các đối tượng người nhà, người quen, hàng xóm, giáo viên, các cơ sở giáo dục. Nhưng thực tế có cả đối tượng cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an, kể cả Bí thư đoàn thanh niên, Bí thư chi bộ xâm hại trẻ em.
“Những đối tượng này, dù ít nhưng chúng ta vẫn phải đưa vào báo cáo, để thấy được sự kinh khủng về sự tha hoá, xuống cấp trong đội ngũ cán bộ, từ đó chấn chỉnh việc này”- bà Khánh nêu và cho rằng không nên vì sợ xấu hổ mà phải giấu diếm việc này.
“Đây là sự thật, đã có hiện tượng này rồi nên phải đưa vào báo cáo để xã hội nhìn nhận chính xác về vấn đề này”- bà Khánh nói.
Kiến nghị giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, bà Khánh đề nghị cần tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ nhất, theo bà, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em.
“Cần có dữ liệu này để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết. Những kẻ đó đi đâu, người ta nhìn thấy cái mặt đó là tránh xa”- bà Khánh đề nghị.
Bà Khánh nói: “Ở các nước, người ta phát triển những loại thuốc mà khi tiêm thuốc này cho người bệnh hoạn sẽ triệt tiêu được ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao cho Bộ Y tế và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý 2-3 ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội”.
Ủy viên thường trực UB Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân nhận xét, đọc báo cáo cảm giác như việc triển khai các đạo luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất trì trệ. Tới thời điểm đoàn giám sát thực hiện giám sát và cả thời điểm báo cáo của Chính phủ, nhiều địa phương, nhiều nơi chưa có động thái. Như vậy có thể thấy ý thức chấp hành pháp luật ở ngay trong bộ máy nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Đây là điểm cần kích hoạt để tạo chuyển biến tình hình.
Ông cũng băn khoăn với con số hơn 60% các vụ xâm hại trẻ em là từ người thân của trẻ. Như vậy, đây chính là nhóm đối tượng cần tác động, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi.
Nguyên nhân khác dẫn đến vấn nạn xâm hại trẻ em cần xử lý, triệt tiêu là thái độ thiếu trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan. Ông phân tích, không ít những vụ việc xâm hại trẻ em cơ quan chức năng đã đánh giá hành vi, khởi tố, điều tra sai tội danh, dẫn đến thay đổi biện pháp trừng trị khiến mức hình phạt không đủ răn đe, thay đổi nhận thức về hành vi cần lên án này.
Phương Thảo