Gần 60 % đối tượng xâm hại trẻ em là người thân hoặc quen biết
(Dân trí) - “Những số liệu khảo sát về tỉnh trạng xâm hại trẻ em cho thấy, gần 60 % đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là những người thân người quen biết với trẻ em cũng như gia đình…”.
Bà Nguyễn Thị Nga - Cục phó Cục Trẻ em cảmh báo về tình hình xâm hại trẻ em cũng như các biên pháp hành động nhằm phòng chống tình trạng này.
Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức xâm hại trẻ em tinh vi và khó lường. Điều này đòi hỏi gia đình, nhà trường và chính các em cũng cần có những kỹ năng và hiểu biết để phòng tránh những dấu hiệu xâm hại tình dục.
“Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có thể là người cao tuổi, người trẻ và thậm chí có những vụ việc lại chính thầy giáo trong môi trường mà cần phải đảm bảo sự an toàn cho trẻ em” - bà Nga cảnh báo.
Không chỉ riêng yếu tố trong nước, thời gian vừa qua, một số vụ việc người nước ngoài cũng có nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, nhất là vấn đề là xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch.
“Chính bởi vậy, việc trang bị về quyền bổn phận của trẻ em cũng như các kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em là rất cần thiết, không chỉ riêng đó là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục của nhà trường mà cha mẹ thì cũng luôn luôn rất cần tìm hiểu và hướng dẫn con các kỹ năng tự bảo vệ” - bà Nga khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó cục trưởng Cục trẻ em cũng khuyến cáo: “Hệ thống pháp luật của chúng ta quy định rất cụ thể về công tác bảo vệ trẻ em. Bởi vậy, khi có vụ việc phát hiện, chúng ta cần chủ động lên tiếng…”.
Bà Nga cho biết: “Trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục đều không có lỗi”.
Theo đó, 4 đầu mối tiếp nhận thông tin liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, như: Cơ quan công an các cấp, cơ quan lao động thương binh và xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
“Các cơ quan trên sẽ có trách nhiệm và các biện pháp hỗ trợ phối hợp trong việc giúp đỡ nạn nhân cũng như gia đình, đưa đối tượng có hành vi xâm hại tình dục ra ánh sáng xử lý theo xử lý nghiêm minh theo quy định của hệ thống pháp luật” - bà Nga cho biết.
Bên cạnh đó, sau những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề bảo vệ bí mật đời sống riêng tư bí mật cá nhân của nạn nhân cũng rất cần thiết. Bởi các em rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý.
Trong giai đoạn này, vai trò của những cán bộ công tác xã hội, nhân viên tâm lý và cha mẹ rất quan trọng trong việc động viên hỗ trợ các em.
Chia sẻ với truyền thông, bà Nga cũng khuyến cáo: “Chúng ta cần lưu ý việc không cung cấp, đưa những hình ảnh những thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, như: Địa chỉ nơi ở địa chỉ trường lớp học, tên và hình ảnh của cha mẹ thầy cô giáo và bạn bè của các em, các dịch vụ bảo vệ đang được cung cấp cho các em…”.
Bởi tất cả thuộc về bí mật đời sống riêng tư bí mật cá nhân của các em. Điều này cũng tránh những tổn thương tiếp theo cho chính trẻ em cũng như gia đình.
Bên cạnh đó, việc lên án các hành vi và đối tượng xâm hại tình dục trẻ em cầ được thông tin rộng rãi. Đặc biệt là diễn biến quá trình xét xử tư pháp được các cơ quan chức năng tiến hành.
“Nhà trường và gia đình cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các em. Bên cạnh đó, trong những trường hợp mà bản thân các em cũng như gia đình cần được tư vấn hỗ trợ thì xin mời gọi điện đến Tổng đài 111. Tại đây, các nhân viên tư vấn của Tổng đài thuộc Cục Trẻ em sẽ sẵn sàng luôn luôn tư vấn và cung cấp những kiến thức kỹ năng cần thiết để trẻ em được bảo vệ ngày càng tốt hơn” - bà Nga cho biết thêm.
Lê Trọng