1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phòng chống xâm hại trẻ em: Có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn?

(Dân trí) - Đại biểu tham dự hội thảo về phòng, chống xâm hại trẻ em đề nghị bổ sung quy định về điều kiện kết hôn theo hướng người trưởng thành buộc phải trải qua lớp học về cách làm cha, mẹ, vợ, chồng, về kỹ năng dạy con…, có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn.

Chiều 13/1, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tiếp tục hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục”, bàn giải pháp chặn vấn nạn này ở môi trường học đường.

Phòng chống xâm hại trẻ em: Có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn? - 1
Các đại biểu thảo luận về các hình thức xâm hại trẻ em tại trường học.

Con của người đồng tính dễ bị xâm hại tình dục?

Theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, Học viện Cảnh sát Nhân dân, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, các lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.

Trong đó xâm hại tình dục dưới các hình thức hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm chiếm trên 81%. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục được cảnh báo là “báo động đỏ”.

Thực tế, các cơ quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc hết sức đau lòng như vụ Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có nghi vấn xâm hại tình dục nhiều nam học sinh trong nhiều năm. Ngay tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, một giáo viên Trường tiểu học bị phụ huynh tố cáo có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nữ lớp 3…

“Việc thầy, cô giáo xâm hại tình dục trẻ em đã làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội, làm các em không còn tin vào thầy cô, vào người lớn, khiến dư luận hết sức bất bình” – ông Thuỷ phân tích.

Ông cung cấp số liệu điều tra của Liên Hợp quốc cho thấy 25% những người lớn, 20% số phụ nữ tham gia khảo sát cho biết rằng họ là nạn nhân của xâm hại từ khi con nhỏ.

Giống như nhiều ý kiến khác, TS Thuỷ đề nghị tập trung cho giải pháp giáo dục, nâng cao nhận thức. Bởi giáo dục không chỉ cần thiết cho trẻ mà còn cho phụ huynh và giáo viên vì bài học về phòng tránh bị xâm hại nên được nhắc lại thường xuyên. Sự tham gia và đồng thuận của nhiều lực lượng xã hội mới có thể giúp công tác phòng chống xâm hại trẻ em được cải thiện.

Từng là một đại biểu Quốc hội, ông Thuỷ đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, bổ sung quy định về điều kiện kết hôn theo hướng người trưởng thành buộc phải trải qua lớp học về cách làm cha, mẹ, vợ, chồng, về kỹ năng dạy con…, có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn.

Vị đại biểu Quốc hội khóa XII lập luận, thực tế cho thấy nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, bị lôi kéo vào hướng sống lệch lạc, thiếu lành mạnh hầu hết có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, khuyết bố/mẹ hoặc cả hai, hoặc bố mẹ sống bạo lực, không hạnh phúc, bố/mẹ là người đồng tính…

Từ đó, ông Thủy cũng kiến nghị xem xét quy định cho người đồng tính được kết hôn hoặc đăng ký sống chung, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người nói chung, dần thay đổi các quan niệm và định kiến xã hội, bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em là con của các gia đình này.

Bởi theo ông Thuỷ, hiện nay việc các cặp đồng tính chung sống hay kết hôn với nhau vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, nhu cầu có con của các cặp đôi này là có thật, luật có không thừa nhận thì họ vẫn chung sống, sinh con hoặc xin, nhận con nuôi. Thực tế cũng cho thấy con của những người đồng tính rất dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trong trường học.

Lo ngại mới nhìn thấy phần nổi của tảng băng

Phòng chống xâm hại trẻ em: Có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn? - 2
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy - Học viện Cảnh sát, từng là đại biểu Quốc hội khóa XII.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT Bùi Văn Linh thừa nhận, hiện nay, học sinh phổ thông rất thiếu kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng đối phó với các hành vi xâm hại. Nhiều bậc phụ huynh lại bao bọc, theo kè kè con quá mức, mặc dù trường ngay gần nhà nhưng vẫn đưa đi đón về.

Ông Linh khẳng định, nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hoá cho học sinh là giải pháp quan trọng.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Unicef Việt Nam đề nghị cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chuẩn nghiệp của các bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học trong giao tiếp, ứng xử với học sinh. Các hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường với học sinh cần bị xử lý nghiêm khắc.

“Giáo dục giới tính, bình đẳng giới, kỹ năng tự bảo vệ… cần được lồng ghép vào các môn học phụ thuộc vào lứa tuổi học sinh. Mối liên hệ giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh cần thông suốt, thông tin phải chuyển gửi rõ ràng” – bà Loan nói.

Khái quát các nội dung đề ra, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn vì nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ trẻ em mà nạn xâm hại trẻ vẫn ngày càng trầm trọng. Bộ GD-ĐT cũng đã làm rất nhiều việc, ra rất nhiều loại công văn, thủ tục nhưng đi vào thực tế, các quy định được thực hiện thế nào, có hình thức không… thì vẫn cần sự đánh giá, trả lời cụ thể.

“Lo ngại nhất là chúng ta đều có cảm giác, vấn đề xâm hại trẻ em, chúng ta vẫn mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng thôi” – ông Bình nhận định.

Ông nhấn mạnh 5 hình thức xâm hại trẻ em đang diễn ra hàng ngày ngay trong môi trường học đường. Đó là bạo lực và bắt nạt; áp lực học hành (là một loại hình bóc lột trẻ em); xâm hại tình dục; phân biệt đối xử (tương ứng với quy định của luật là hành vi bỏ rơi các em, để trẻ bị cô lập ngay trong tập thể của mình); xâm hại khác (tệ nạn xã hội…).

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục cho rằng: “Hình thức xâm hại bằng bạo lực, xâm hại tình dục và xâm hại từ áp lực học hành là nặng nề nhất. Đã có không ít học sinh tìm đến cái chết. Sau mỗi kỳ thi lại có nhiều trẻ hơn thể hiện sự tâm tư, mệt mỏi, bế tắc. Rõ ràng vấn đề nằm ở nhận thức của cả xã hội. Cần làm rõ chúng ta có đang chạy theo thành tích mà thành bạo hành con trẻ hay không?”.

Phương Thảo