Tích lũy 700.000 tỷ đồng để có mức tăng lương cao nhất lịch sử từ 1/7
(Dân trí) - Thông báo tin vui về chính sách tăng lương cơ sở 30% từ 1/7, Thủ tướng nhấn mạnh đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nhờ tiết kiệm, tích lũy được 700.000 tỷ đồng để tăng lương trong 3 năm tới.
Tin vui này được Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, trong cuộc gặp chiều 26/6 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Thông tin về tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết tăng trưởng được thúc đẩy, quý sau cao hơn quý trước, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo sợ tình trạng thiếu điện, song người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định "Việt Nam không bao giờ thiếu điện". Dù lượng điện tiêu thụ những tháng đầu năm tăng 15%, nhưng cung ứng điện vẫn được đảm bảo.
Nhấn mạnh kết quả đời sống nhân dân được nâng lên, Thủ tướng thông báo tin vui về việc tăng lương cơ sở 30% từ 1/7. Theo ông, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay do chúng ta dự trữ, tiết kiệm, tăng thu giảm chi để có khoảng 700.000 tỷ đồng tăng lương trong 3 năm tới.
"Và 3 năm tới nếu có tích lũy, sẽ tiếp tục có dư địa tăng lương cho những năm sau", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm và làm việc.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết sau khi Trung Quốc mở cửa từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động giao lưu thúc đẩy đoàn giữa hai bên diễn ra rất sôi động, hợp tác trong nhiều lĩnh vực và giữa các bộ ngành, địa phương hai bên đã được tập trung thúc đẩy.
Ghi nhận nỗ lực của Đại sứ quán, Thủ tướng cho rằng với vị trí và vai trò quan trọng trên trường quốc tế của Trung Quốc hiện nay, nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc rất vinh dự, tự hào, nhưng đi cùng là trách nhiệm rất cao.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Theo ông, từ bài học thành công của Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm về việc phản ứng chính sách kịp thời, đưa ra quyết sách mạnh mẽ và tổ chức triển khai dứt khoát.
Thông tin về kết quả dự Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng cho biết các nước, tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới dành nhiều tình cảm và đánh giá Việt Nam rất cao.
Các doanh nghiệp quốc tế trong những cuộc gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đều hào hứng, phấn khởi, thể hiện sự ủng hộ và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng vì thế chia sẻ sự tự hào trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn làm tốt.
Bên cạnh việc dự Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng cũng đã có các cuộc hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh.
Thủ tướng khẳng định quan hệ hai nước đã đạt những kết quả tốt đẹp, toàn diện. Tin cậy chính trị được củng cố; nhiều cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng được thiết lập; kết nối chiến lược, nhất là kết nối giao thông được đẩy nhanh; hợp tác thương mại tăng trưởng khởi sắc…
Nhắc đến định hướng thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lưu ý cần thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là mở rộng các danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh và thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, như nông sản, hoa quả.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy kết nối giao thông, trong đó có 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), đồng thời hợp tác trên các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số...
Hoài Thu (Từ Bắc Kinh, Trung Quốc)