Chân dung cuộc sống:
“Tia sáng” trong bóng tối
(Dân trí) - Thật khó có thể diễn tả hết tâm trạng của tôi khi được một người khiếm thị tận tình chỉ bảo cho cách cài đặt hộp thư điện tử vào chương trình Outlook Express. Mọi dòng chỉ dẫn như được "cài đặt" sẵn trong bộ não của người thanh niên khiếm thị nhưng vẻ mặt luôn ánh lên sự tự tin, cởi mở.
Trong đầu tôi giờ đây không còn chỗ cho kiến thức mà đang tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn; ngạc nhiên, thán phục và cả sự so sánh, tự ti với chính bản thân mình.
Trước khi đặt chân đến trung tâm Tin học khiếm thị Tia sáng, tôi đã hình dung trong đầu về một cơ ngơi khang trang, với cơ sở vật chất hiện đại hỗ trợ cho việc giảng dạy cho người khiếm thị, nhưng những gì hiện hữu trong căn gác nhỏ nằm trên phố Minh Khai (Hà Nội) khiến tôi hoàn toàn bất ngờ.
Trung tâm Tin học khiếm thị Tia sáng được thành lập từ sáng kiến của Phạm Sơn Hà, một thanh niên bị khiếm thị do di chứng chất độc da cam, cùng sự góp sức của em trai Phạm Sơn Hùng (cũng bị khiếm thị từ nhỏ và đang là giảng viên của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu) và Khúc Hải Vân, một thanh niên khiếm thị bẩm sinh.
Cả ba đã đưa niềm đam mê tin học của mình thành phương tiện, hành trang hoà nhập cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ. |
Mặc dù trang thiết bị phần lớn là tự đóng góp nhưng những thành công của trung tâm trong việc mang lại cho người khiếm thị một "tia sáng" trong cuộc sống khiến rất nhiều người cùng cảnh ngộ khắp miền Bắc lặn lội tìm đến theo học.
Tất cả những công việc đó đều được họ thực hiện một cách thuần thục, đầy tự tin. Dường như những điều mà chiếc máy tính đem lại cho họ, những người có số phận không may mắn, lớn hơn những gì mà chúng ta vẫn cảm thấy bình thường hàng ngày.
Đó chính là sự tự tin, yêu đời và sự hoà nhập vốn đã bị chôn vùi trong họ từ bao lâu nay.
An, một người khiếm thị đang kiếm sống tại một trung tâm massage trên Phố Vọng hằng ngày đến "Tia sáng" để học thêm.
Chân dung một học viên: Vừa gõ bàn phím, vừa nghiêng tai lắng nghe phát âm trước một màn hình không bật điện.
Chị Vân, một người khiếm thị từ Vinh ra thuê nhà gần trung tâm để có thể theo học đủ một chương trình.
Tai và loa, hai trợ thủ quan trọng nhất của người khiếm thị.
Học viên thực hiện bài học đầu tiên; làm quen bàn phím với sự hướng dẫn của giảng viên.
Khúc Hải Vân, một trong những người khiếm thị đã đưa "Tia sáng" đến với những người cùng cảnh ngộ.
Việt Hưng - An Phúc