1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nghệ An:

Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà

(Dân trí) - Công trình thủy điện Nậm Nơn hoàn thành, bắt đầu tích nước để vận hành thử nghiệm. Đó cũng là lúc hiện tượng sạt lở đất hai bên bờ sông bắt đầu xuất hiện. Nhiều hộ dân trước kia không thuộc diện di dời sống trong thấp thỏm vì sợ sông “ăn” mất nhà.



Công trình thủy điện Nậm Nơn, trên sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm cách công trình thủy điện Bản Vẽ 14km. Đây là công trình thủy điện nằm giữa hai công trình thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố. Thủy điện Nậm Nơn được thiết kế hai tổ máy phát điện với tổng công suất 20MW. Sau khi hoàn thành dòng điện từ nhà máy này sẽ hòa lưới điện với đường dây 110KV, góp phần đản bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Cuối tháng 8/2014, sau khi công trình hoàn thành, thủy điện Nậm Nơn bắt đầu tích nước để tiến hành vận hành thử nghiệm. Cũng là lúc mực nước dòng sông bắt đầu dâng lên thì hiện tượng sạt lở cũng bắt đầu xuất hiện. Khiến nhiều hộ dân sống trong khu vực lòng hồ trước đó không thuộc diện di dời trở nên hoang mang lo sợ.
 
Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà

Công trình thủy điện Nậm Nơn được hoàn thành vào cuối tháng 8/2014 và khi công trình bắt đầu tích nước hiện tượng sạt lở bắt đầu xuất hiện.

Chị Lô Thị Vân (SN 1979) trú tại bản Lạ, xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) sợ hãi: “Toàn bộ đất phía sau nhà tôi bị sập xuống sông hết rồi, tường bao quanh nhà cũng bị nứt và sập hết. Buổi tối cũng không giám ngủ vì sợ nhà sẽ sập bất cứ lúc nào”, nhìn vào những vết nứt lớn đang lấn dần sát đến ngôi nhà sàn của mình chị Vân hoang mang lo sợ.

Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực nhà chị Vân, toàn bộ phần đất vườn phía sau của căn nhà đã bị dòng sông “nuốt” gọn. Bức tường xây kiên cố xung quang căn nhà sàn của chị cũng đã đổ sập. Những vết nứt lớn kéo dài đang ăn dần và lấn ngày một sát vách căn nhà sàn của chị vô cùng nguy hiểm.

Không chỉ riêng gia đình chị Vân mà nhiều hộ khác ở bản Lạ sống sát bên dòng sông Nậm Nơn trước kia không thuộc diện di dời nay cũng phải nơm nớp lo sợ vì có thể bị dòng sông “ăn” mất nhà bất cứ lúc nào. Những căn nhà sàn chênh vênh nằm ngay bên dòng Nậm nơn cũng bắt đầu xuất hiện những vết nứt ở khu vực nền nhà khiến người dân hoang mang lo sợ.
 
Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà
 
Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà

Chỉ vào vết nứt đang lấn sát dần đến chân cột nhà mình anh Lay Văn Thuận (SN 1964) ở bản Lạ nói: “Mới đầu là vết nứt nhỏ rồi đất bắt đầu đổ sập xuống sông. Nhà tôi có 5 người, còn có các cháu nhỏ nên tôi sợ lắm. Nếu tôi đi làm chúng nó ở nhà chẳng may có chuyện gì thì sao”.

Gia đình bà Lô Thị Phượng trước đó đã phải di dời ngôi nhà tạm của mình đến nơi ở mới vì nước nước ngập đến quá chân cột nhà. Sau đó gia đình bà đã được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.

Nhìn những ngôi nhà sàn chênh vênh bên dòng sông đang cuộn mình chảy chúng tôi hiểu mối lo ngại của rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Trên con đường độc đạo vào xã Lượng Minh cũng bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở vô cùng nguy hiểm. Phần đất hành lang của con đường đã bị sạt lở, nhiều đoạn đã sạt lở đến mép đường nhựa rất nguy hiểm.

Ông Vi Đinh Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lượng Minh - cho biết: “Sau khi thủy điện bắt đầu tích nước, bên cạnh đó là mưa lớn kéo dài nên tại bản Lạ có nhiều hộ sinh sống tại gần bờ sông bị sạt lở. Sau khi nắm được tình hình chúng tôi đã tiến hành xác minh và báo cáo lên UBND huyện Tương Dương để có phương án xử lý. Hiện tại huyện cũng đã cho xác minh và có phương án di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn”.
 
Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà

Căn nhà của Lay Văn Thuận (SN 1964) ở bản Lạ cũng đang bị dòng sông de dọa nghiêm trọng. Với những vết nứt dài và sát với khu vực tường nhà của anh Thuận.

 Con đường nhựa duy nhất vào xã Lượng Minh cũng đã xuất hiện một số điểm sạt lở nghiêm trọng.

 Con đường nhựa duy nhất vào xã Lượng Minh cũng đã xuất hiện một số điểm sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo ông Phúc, sau khi thủy điện Nậm Nơn bắt đầu tích nước con đường dân sinh duy nhất để người dân tại bản Lạ vào khu vực sản xuất của mình cũng đã bị ngập nước. Vì vậy để khắc phục những người dân tại đây phải tự kết bè, làm thuyền nhỏ để làm phương tiện di chuyển vào khu vực sản xuất nên rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên ông Lý Quang Châu - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Ngay khi có thông tin về sạt lở tại khu vực xã Lượng Minh tôi cùng các đồng chí trong UBND huyện đã vào tận những điểm sạt lở để khảo sát nắm tình hình. Tất cả những điểm sạt lở đều nằm trong những cung trượt được Viện vật lý địa cầu cảnh báo. Chúng tôi cũng đang trao đổi với phía đơn vị đầu tư để có phương án hỗ trợ những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn hơn”.

 Và những điểm sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra kể từ ngày dòng thủy điện Nậm Nơn tích nước...

 Và những điểm sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra kể từ ngày dòng thủy điện Nậm Nơn tích nước...

Nguyễn Tình - Nguyễn Duy