1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủy điện miền Trung “xa lạ” với dự báo bão, lũ

(Dân trí) - Liên quan tới việc các hồ thủy điện tại miền Trung xả lũ khiến tình trạng lũ lụt càng trở nên nghiêm trọng, <i>Dân trí</i> đã trao đổi với TS. Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư về sự phối hợp giữa hai cơ quan này.

"Từ trước tới nay không có bất kỳ sự liên hệ nào giữa các công trình thủy điện miền Trung với ngành khí tượng!", bà Nguyễn Lan Châu khẳng định.
 
Thủy điện miền Trung “xa lạ” với dự báo bão, lũ - 1
Dư luận cho rằng Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) ngập nặng bởi có sự góp phần của hồ thủy điện Sông Ba Hạ
(Ảnh: Chinhphu.vn)
 
Việc dự báo lũ cho các nhà máy thủy điện là điều tối cần thiết. Vì sao lại có sự bất hợp tác giữa các công trình thủy điện ở miền Trung và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư trong cảnh báo về mưa, lũ. Trong khi đó, miền Trung luôn là "rốn" bão của cả nước?
 

Theo bà Lan Châu, với diễn biến của lũ hiện nay thì phải 3- 4 ngày nữa mới hết cảnh ngập lụt, chia cắt ở nhiều khu vực thuộc Nam Trung Bộ.

 

Dự báo từ nay đến cuối năm miền Trung sẽ tiếp tục xảy ra 1-2 đợt mưa, lũ nữa.

Đã rất nhiều lần trong các cuộc họp với Bộ Tài nguyên & Môi trường chúng tôi thông báo về việc "mù" thông tin về các công trình thủy điện ở miền Trung. Chúng tôi cũng đã đề nghị được cung cấp số liệu  về các công trình này. Nhưng đến hiện nay vẫn chưa nhận được sự trả lời.
 
Theo tôi hiểu, có thể các công trình thủy điện ở miền Trung thường nhỏ, lại do tư nhân đưa vào hoạt động nên việc phối hợp về cảnh báo bão, lũ chưa thể triển khai. Trung tâm hiện đang làm công tác dự báo lũ cho các thủy điện lớn ở miền Bắc, khi có lũ, Trung tâm thường thông báo rất sớm để họ có phương án.

Theo bà, tình trạng xả lũ của các công trình thủy điện miền Trung sau cơn bão 11 có phải là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lớn trên diện rộng ở nhiều tỉnh?

Mưa với cường độ lớn, rừng đầu nguồn bị khai thác liên tục, các nhà máy thủy điện xả lũ không có kế hoạch và điều tiết, địa hình miền Trung lại có độ dốc cao là những yếu tố khiến cường độ lũ đổ xuống các vùng hạ lưu càng dữ dội.

Theo tôi cần thiết phải có ngay sự phối hợp giữa cơ quan khí tượng với các công trình thủy điện miền Trung, làm rõ việc quản lý xả lũ. Cùng đó không thể buông lỏng công tác quản lý lưu vực sông, rừng ở thượng nguồn như hiện nay.
 
Thủy điện miền Trung “xa lạ” với dự báo bão, lũ - 2
Dân vùng ven sông Cái thuộc xã An Định phải vào tạm trú trong trường tiểu học xã An Định đã ngập hết tầng một. (Ảnh: Báo Phú Yên) 

Về phía cơ quan chuyên môn, hiện quy trình thông báo mưa, lũ được thực hiện ra sao thưa bà?

Khi chúng tôi có thông tin cảnh báo về bão, mưa, lũ thì lập tức Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ cũng có đầy đủ số liệu. Từ đó mọi công tác phòng chống bão lũ sẽ được triển khai. Vấn đề là dưới các địa phương tiến hành phòng, chống đến đâu.

Tuy nhiên, tại buổi họp mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến phê bình công tác dự báo mưa, lũ chưa tốt?

Chúng tôi đã rất cố gắng. Như đợt dự bão lũ này mức độ chính xác đạt trên 80%. Trên thực tế, để đưa ra được cảnh báo về lũ chúng tôi cần nhiều yếu tố trong đó có việc dự báo mưa. Nhưng quả thực đó là dự báo khó nhất.
 
Riêng đối với miền Trung, các trạm quan trắc mưa và quan trắc mực nước rất thưa thớt, đặc biệt là ở các khu vực thượng nguồn sông, suối. Hiện cả miền Trung mới có khoảng trên 100 trạm. Trong khi đó, cần đến hơn 500 trạm mới có thể đảm bảo thông tin đầy đủ.
 
Xin cảm ơn bà! 
 
118 người chết và mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
 
Thống kê sơ bộ đến chiều 5/11, mưa lũ sau bão số 11 đã làm 118 người chết và mất tích, trong đó 98 người chết và 20 người mất tích, cùng những thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, giao thông... Ước tính thiệt hại sơ bộ đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bình Định thiệt hại lên đến gần 900 tỷ đồng.
 
Hiện tại, một số nơi úng ngập nặng như Bình Định, Phú Yên tiếp tục triển khai công tác cứu trợ, sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở sau lũ. Nước lũ bắt đầu rút chậm, một số nơi, người dân đã bắt tay vào thu dọn nhà cửa, đồng ruộng.
 
Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định trích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia, hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 11. (Thanh Trầm - Đại Vũ)
 
Thanh Trầm
 (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm