Thuốc tăng trọng gia súc: nấu chín vẫn độc
Hiện nay, một số người chăn nuôi vẫn sử dụng <a href=" http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2006/6/122262.vip"> thuốc Clenbuterol</a> để tăng trọng gia súc, gia cầm. Ăn lâu dài loại thịt có Clenbuterol, người ta có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm như biến chứng ung thư, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng.
Theo PGS.TS Mai Phương Mai - chủ nhiệm bộ môn dược lý, khoa dược Đại học Y dược TPHCM, báo cáo chi tiết của một phòng thí nghiệm của Anh cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Clenbuterol là chất dùng để điều trị bệnh đường hô hấp cho trâu, bò, ngựa và dùng cho trâu bò khi sinh đẻ... Thuốc có thể thải dần qua đường tiểu và một ít qua phân của gia súc.
Qua thử nghiệm với liều cao trên chuột, thỏ, chó cho thấy độc tính chủ yếu làm tăng nhịp tim và gây co giật; ở trâu bò nếu tiêm tĩnh mạch liều cao cũng làm tăng nhịp tim, nhịp hô hấp. Nếu sử dụng ở liều cao kéo dài có thể gây hoại tử cơ tim... Sử dụng Clenbuterol với liều uống 100mg/kg/ngày trên chuột cống có thể gây dị tật bào thai.
Nghiên cứu trên một số gia súc cho biết 100% dư lượng của thuốc này tồn dư ở trong cơ không biến đổi và 60% dư lượng tồn lưu ở gan, thận cũng ở dạng không biến đổi. Người ta còn phát hiện chất này tồn lưu cả trong sữa gia súc.
Cũng một nghiên cứu của Anh cho thấy Clenbuterol là chất bền vững với nhiệt. Clenbuterol hầu như không biến đổi, mất đi qua quá trình nấu nướng ở nhiệt độ đun sôi 100 độ C, ngay cả khi nướng, chiên... Tuy nhiên, nếu qua chiên dầu ở nhiệt độ 260 độ C trong khoảng năm phút thì có thể mất đi. Do đó, khi ăn phải loại thực phẩm có tồn dư Clenbuterol kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ cho biết tồn dư Clenbuterol trong thịt gia súc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như gây biến chứng ung thư, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng.
Chi cục Thú y TPHCM sẽ kiểm tra các điểm chế biến, kinh doanh thức ăn gia súc, các điểm bán thịt ở các chợ, phối hợp với đơn vị thú y của một số tỉnh bạn để tìm các chất kích thích tăng trọng đã cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Theo Tuổi Trẻ