1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Họp HĐND TPHCM khóa VIII:

Thực phẩm sạch nhưng dân vẫn hoang mang vì... “khủng hoảng niềm tin”?

(Dân trí) - Trong khi đại biểu HĐND TPHCM phản ánh rằng người dân đang rất hoang mang vì thực phẩm “bẩn” nhan nhản khắp nơi thì cơ quan chức năng lại cho là... tốt, người dân hoang mang chỉ vì “dân đang khủng hoảng niềm tin”, không tin thực phẩm an toàn!

Đại biểu nói có, cơ quan chức năng nói không

Chiều 8/12, kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa VIII bước vào phiên thảo luận tổ. Không khí nghị trường “nóng” lên khi nhiều đại biểu phản ánh về tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn tràn lan khiến người dân hoang mang, không biết đi đâu để mua được thực phẩm sạch.

Đại biểu Trịnh Xuân Thiều phát biểu: “Hiện nay người dân đang rất lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vì không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, trước kia người dân vẫn yên tâm khi vào siêu thị mua thực phẩm nhưng bây giờ thì không như thế, vào siêu thị cũng lo mua nhầm thực phẩm bẩn”.

Đại biểu Trịnh Xuân Thiều cho rằng tuổi thọ người dân ngày càng tăng nhưng tuổi khỏe thì không (ảnh Phạm Nguyễn)
Đại biểu Trịnh Xuân Thiều cho rằng tuổi thọ người dân ngày càng tăng nhưng tuổi khỏe thì không (ảnh Phạm Nguyễn)

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu cũng đồng tình. Ông cho rằng: “Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Cái ăn uống của người dân là điều quan trọng hàng đầu, nếu chúng ta không giải quyết được thì làm sao thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống tốt, xây dựng thành phố thành nơi sống tốt? Muốn sống tốt thì trước hết cái ăn, cái uống của người dân phải được quan tâm”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nhân cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm còn phải bàn nhiều. Sở Công thương cần công bố danh sách các điểm bán thực phẩm an toàn để người dân dễ dàng nhận diện. Phải kiểm soát được nguồn thực phẩm vào các cửa hàng. Rà soát các điểm chăn nuôi, trồng trọt. Trong quá trình bày bán sản phẩm cũng cần có quy trình kiểm tra tại chỗ để người dân thực sự yên tâm là thực phẩm đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thành Nhân đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt (ảnh Phạm Nguyễn)
Đại biểu Nguyễn Thành Nhân đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt (ảnh Phạm Nguyễn)

Trái ngược với phản ánh của đại biểu, bà Nguyễn Thị Lệ Thoa – Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM) cho rằng cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra thực phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là... rất ít (!?).

Bà Thoa cho biết, từ đầu năm đến nay các đơn vị chức năng đã kiểm tra hơn 800 mẫu tại các hộ gia đình thì chỉ có 8 trường hợp vi phạm về vi lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện trên địa bàn thành phố có 998/1.000 hộ trồng rau muống đã ký cam kết trồng rau an toàn. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng thì chỉ có 1 hộ sử dụng nhớt để tưới rau.

Bà cho rằng: “Những trường hợp người dân phía Bắc mới di cư vào thành phố, chưa được phổ kiến thức nên mới làm như thế. Nếu được tuyên truyền thì chắc chắn họ sẽ không làm”.

“Hiện nay người ta đang bị khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm. Người ta chỉ nói qua nói lại mà không tin nhau. Có những việc mình làm mà người ta không biết nên cứ nghĩ thực phẩm không an toàn”, bà Thoa khẳng định.

Xử phạt thật nặng, ghép tội hình sự!

Dù cơ quan chức năng đảm bảo thực phẩm thành phố sản xuất là an toàn nhưng các đại biểu vẫn lo lắng vì thành phố không chỉ tiêu thụ sản phẩm dân thành phố làm ra mà phần lớn là nhập từ các tỉnh thành khác. Chưa kể các thực phẩm bán rong cũng rất nhiều mà không ai kiểm soát được.

Đại biểu Văn Đức Mười cho rằng, hiện nay công tác thanh, kiểm tra chỉ giải quyết được phần ngọn. Thực tế có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ mọc lên tràn lan nhưng cơ quan chức năng cũng không kiểm soát được.

Đại biểu Văn Đức Mười cho rằng việc chỉ xử phạt hành chính khi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thì không đủ sức răn đe
Đại biểu Văn Đức Mười cho rằng việc chỉ xử phạt hành chính khi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thì không đủ sức răn đe

Theo đại biểu Trịnh Xuân Thiều, giải pháp xử lý người buôn bán thực phẩm trôi nổi, tự phát không đủ mạnh nên người ta không sợ. Ai bán được cứ bán, ai mua thì cứ mua theo kiểu hên xui.

“Việc không kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dẫn đến bệnh ung thư và các loại bệnh nan y ngày càng phát triển. Tuổi thọ người dân thì tăng nhưng tuổi khỏe thì không!”, ông Thiều lo ngại.

Đại biểu Võ Văn Sen cũng đồng tình. Theo ông, việc xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhẹ; công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đúng mức. Ông đề xuất tách bộ phận quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ra khỏi cơ quan y tế để thực hiện chuyên trách thì mới quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu đề nghị phạt tù thật nặng các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn” (ảnh: Phạm Nguyễn)
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu đề nghị phạt tù thật nặng các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn” (ảnh: Phạm Nguyễn)

Đại biểu Văn Đức Mười đề nghị: “Ở các nước chỉ cần vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chẳng hạn như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì có thể xử lý hình sự. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mới giải quyết dứt điểm tình trạng thực phẩm bẩn. Còn như hiện nay chỉ xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Thời gian tới chúng ta phải làm quyết liệt vấn đề này. Cần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm. Phải đưa vào khung tù nặng, thật nặng mới xử lý được vấn đề sản xuất, bán thực phẩm bẩn”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy thì đề nghị trong kỳ họp này, HĐND TP nên ra 1 nghị quyết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quốc Anh - Tùng Nguyên