1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm “bẩn” gây dậy thì sớm ở trẻ

(Dân trí) - Trước sự hoang mang của dư luận về các trường hợp phát triển ngực quá sớm của các bé gái Trung Quốc nghi do uống sữa và được khẳng định là không phải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, viện Nhi TƯ về vấn đề này.

Chỉ có 30% là dậy thì sớm thật

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hoá và Di truyền, viện Nhi TƯ, mặc dù sự việc xảy ra ở Trung Quốc và từ 1 sản phẩm sữa chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng mấy ngày qua, Viện Nhi tiếp nhận 5 đến 7 cháu tới khám mỗi ngày với biểu hiện dậy thì sớm. Trong số đó sẽ có 2 trường hợp: dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả.

 

Hiện tại khoa Nội tiết - Chuyển hoá và Di truyền đang quản lý hơn 200 trẻ dậy thì sớm (hầu hết trước 5 tuổi), trong đó có 70% dậy thì sớm giả và 30% dậy thì sớm thật.

 

Mức độ anh hưởng khi trẻ dậy thì sớm rất nghiêm trọng. Về mặt thể hình trẻ sẽ bị lùn hơn so với các bạn cùng tuổi. Về mặt xã hội thì do lý trí chưa đủ mạnh (bộ phận sinh dục phát triển nhưng về mặt ý thức bé chỉ là đứa trẻ, do nồng độ hoocmon cao kích thích trẻ có nhu cầu về sinh lý) dẫn đến muốn quan hệ tình dục, ảnh hưởng tới học tập, sức khỏe sinh sản”.

Nguyên nhân của dậy thì sớm thật do chính nội tạng của trẻ (các hưng phấn từ vùng vỏ não đưa xuống). Còn dậy thì sớm giả thì do nhiều nguyên nhân hơn, từ hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng (bé gái), u tinh hoàn (bé trai) đến thực phẩm, môi trường sống, điều kiện sống… đều có thể là thủ phạm.

 

Nếu là dậy thì sớm giả thì chỉ cần hạn chế các chất đưa vào (ngừng cung nguồn thực phẩm không lành mạnh), cắt bỏ u tinh hoàn, u buồng trứng… thì vấn đề sẽ được giải quyết. Với dậy thì sớm thật (thường ở trẻ 7-10 tuổi), nguyên nhân cần được xác định kỹ, cần thận trọng trong điều trị.

 

Ngoài ra, PGS Nguyễn Thị Hoàn cũng nhấn mạnh: “Hầu hết hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ trước 3 tuổi đều là lành tính (do nồng độ nội tiết từ mẹ sang con, trong trường hợp con vẫn bú sữa mẹ)”.

 

Chú ý trong lựa chọn thực phẩm

 

Thực phẩm “bẩn” gây dậy thì sớm ở trẻ - 1

Ăn nhiều thịt động vật được nuôi bởi các thực phẩm chứa chất kích thích giúp tăng trọng nhanh sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe

Trước thông tin, Bộ Y tế Trung Quốc khẳng định sữa không nhiễm hooc-môn, PGS Nguyễn Thị Hoàn cho rằng không nên loại trừ yếu tố này. Vì sữa bột được sản xuất từ sữa bò. Trong trường hợp bò được nuôi tăng trọng thì nguồn sữa không an toàn, nguy hại đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ.

 

Theo PGS Hoàn, thực phẩm không an toàn (gia cầm, gia súc nuôi tăng trọng , các loại rau, quả… nhiều chất kích thích) là một trong những yếu tố gây dậy thì sớm ở trẻ.

 

“Tôi nghĩ, đã đến lúc Bộ Y Tế Việt Nam cần có sự báo động về môi trường. Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung ứng thực phẩm vì nếu không sẽ gây nguy hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ”.

 

Để hạn chế những tác động khiến trẻ dậy thì sớm, các bậc cha mẹ cần lưu ý: “Tránh để trẻ xem những hình ảnh sex, hoặc nhìn thấy cảnh cha mẹ âu yếm. Nguồn thực phẩn cần được đảm bảo an toàn (không dùng chất kích thích, chất bảo quản…). 

 

Cha mẹ cần biết rõ tuổi dậy thì đúng ở bé gái sau 9 tuổi, bé trai sau 10 tuổi. Nếu trước 9 tuổi ở cả trai và gái thì được xem là dậy thì sớm. Khi thấy con có biểu hiện bất thường (tuyến vú (con gái); cơ bắp, trứng cá, dương vật (con trai) phát triển cần đưa đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn và điều trị”.

 

Chuyên gia nói về sữa gây dậy thì sớm ở trẻ

 

Về tình trạng “trẻ dậy thì sớm”, Tân Hoa Xã đã phỏng vấn GS Dương Diễm Linh, Bệnh viện ĐH Bắc Kinh, và chuyên viên Dương Nguyệt Hân, Cục an toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật Trung Quốc:

 

Estrogen nội sinh trong sữa có gây ra ảnh hưởng cho trẻ em hay không?

 

Bà Dương Nguyệt Hân: estrogen nội sinh rất cần thiết cho quá trình nuôi dưỡng thai cũng như bài tiết sữa. Vậy nên, nó không gây ảnh hưởng gì mà còn có tác dụng tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Ngoài ra, estrogen còn có tác dụng phòng chống ung thư cho loài người.

 

Việc xác định estrogen trong sữa là nội sinh (tự sinh ra) hay ngoại sinh (từ bên ngoài đưa vào) cũng không hề đơn giản, đòi hỏi phải có những thiết bị rất hiện đại.

 

Về hàm lượng estrogen trong sữa bò hoặc sữa dê có tiêu chuẩn cụ thể nào không?

 

Bà Dương Diễm Linh: Tiêu chuẩn về hàm lượng hooc-môn hiện gần như chưa có vì chúng tôi cho rằng đó là chất tự nhiên cho nên không cần phải quy định rõ về hàm lượng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề ra lượng dung nạp hằng ngày (ADI). Đó là một đứa trẻ nặng 8kg thì chỉ nên nạp tối đa là 400ng mỗi ngày (tức 0-0,05mg/mỗi kg thể trọng).

 

Nhiều tài liệu cho thấy trong sữa mẹ có khoảng 15ng/1ml, sữa bò thông thường khoảng từ 0,32ng-18ng/ml. Với hàm lượng này, trẻ sẽ không hề bị ảnh hưởng gì dù dùng sữa mẹ hay sữa bò hoàn toàn.

 

Các chuyên gia của bộ Y tế Trung Quốc cũng đã kiểm nghiệm và khẳng định sữa Trung Quốc không phải là nguyên nhân làm cho trẻ dậy thì sớm.

 

Vậy nguyên nhân nào làm cho trẻ dậy thì sớm?

 

Bà Dương Diễm Linh: Các chuyên gia đều cho rằng, trong thức ăn hoặc trong thuốc uống hàm chứa hooc-môn sẽ làm cho trẻ phát triển dậy thì sớm. Ví như một số thuốc hoặc chất dinh dưỡng có chứa hooc-môn; hay cơ thể động vật nuôi, gia súc, gia cầm tiêm quá nhiều estrogen để tăng nhanh trọng lượng, thu được nhiều thịt, nhiều sữa, rồi đến cá tôm ăn quá nhiều thức ăn chứa hooc-môn.
 
Các thức ăn nhanh cũng sẽ tăng thêm nguy cơ làm cho trẻ dậy thì sớm, ví dụ như các thực phẩm rán nhiều bằng dầu mỡ sẽ làm cho trẻ béo phì, từ đó làm rối loạn nội bài tiết, gây ra dậy thì sớm ở trẻ.
 
Thu Hà - Hằng Dương