1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương

(Dân trí) - Sáng ngày 24/10/2019, tại Thừa Thiên Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị (Khóa X)” đã tham dự và chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các sở, ngành, huyện của tỉnh, các chuyên gia.

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 1

Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. 

Phát biểu gợi mở tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, Thừa Thiên Huế là địa phương có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến ban hành chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm với vai trò và vị thế tỉnh.

Năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Kết luận này là định hướng quan trọng của Trung ương đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bcho hay, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo với du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. 

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP năm 2018 tăng gấp 1,91 lần so với năm 2009. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo, đến nay, cơ bản đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp; trở thành trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá và du lịch; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên với thu nhập bình quân/người năm 2018 gấp 2,1 lần năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 5,03%, giảm 3,33% so với năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 62%; giải quyết được việc làm cho 16,2 nghìn lao động mỗi năm.

Báo cáo 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị cho thấy: Môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh được cải thiện cùng với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển mạnh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân với những đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn FDI, góp phần gia tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 3

Huế đã phát triển nhiều sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị

Hoạt động liên kết với Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được chủ động thúc đẩy; bước đầu đã hình thành liên kết phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hướng tới thành phố vườn, đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.

Về hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị Huế cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. 

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 4

Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của sự phát triển Thừa Thiên Huế

“Thừa Thiên Huế cần phải phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, xây dựng và phát triển trở thành Thành phố di sản trực thuộc Trung ương theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng” – Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 5

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo

Nhấn mạnh phát triển Thừa Thiên Huế không phải chỉ cho địa phương mà là cho quốc gia, ông Nguyễn Văn Bình đồng tình với các ý kiến của các đại biểu về việc cần đề xuất Trung ương ban hành một Nghị quyết mới để thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết mới cần có chủ trương xây dựng bộ tiêu chí thành phố di sản; có sự hỗ trợ của Trung ương cả về nguồn lực và cơ chế chính sách trong việc đầu tư bảo vệ di sản của Thừa Thiên Huế, góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới.

Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố di sản trực thuộc Trung ương - 6

“Thừa Thiên Huế cần phải phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, xây dựng và phát triển trở thành Thành phố di sản trực thuộc Trung ương theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh..." - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu kết luận tại Hội thảo

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm