Thanh Hóa:
Thú vị Tết nhảy của người Dao
(Dân trí) - Người Dao tổ chức ăn Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Theo chu kỳ, mỗi gia đình ăn tết khác nhau, thường thì 10 - 15 năm mới tổ chức một lần theo lời hứa của từng họ người Dao.
Theo những cụ cao niên của người Dao ở thôn Ngọc Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa kể lại thì Tết nhảy của người Dao nơi đây có từ rất lâu. Tổ tiên của người Dao ở Thanh Hóa có nguồn gốc từ vùng núi phía Bắc. Theo gia phả ghi chép lại thì có 12 họ người Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chưa tới được bờ, bất ngờ đoàn thuyền của họ gặp bão nên đã bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm khiến cho tính mạng họ bị đe doạ.
Sau đó các họ người Dao trên thuyền đã khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ và vượt qua cơn hoạn nạn, thoát chết vào được đến đất liền an toàn. Từ đó các họ người Dao hứa sẽ làm lễ tạ ơn Bàn Vương và tổ tiên. Lời cầu linh ứng, các họ người Dao tổ chức “Tết nhảy” để tạ ơn tổ tiên. Tuỳ theo lời hứa của từng họ người Dao mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ Dao khác nhau.
Thầy cúng Dương Văn Xuân người lưu giữ nguồn gốc về “Tết nhảy” của người Dao ở Thanh Hoá cho biết: “Không phải năm nào người Dao cũng ăn Tết nhảy. Tùy từng lời hứa của mỗi họ Dao mà thời gian ăn Tết nhảy có sự khác nhau trong năm hoặc trong nhiều năm. Chu kì ăn tết nhảy thường từ 10 đến 15 năm mới tổ chức 1 lần”.
Năm nay, gia đình ông Dương văn Minh vui mừng tổ chức Tết nhảy. Trong những ngày diễn ra Tết nhảy, gia đình ông lúc nào cũng đông kín người. Trong nhà ngoài sân luôn tràn ngập không khí rộn ràng vui tươi.
Theo ông Dương Văn Hanh thì Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao. Tết nhảy không chỉ yêu cầu về thời gian, thủ tục mà phải phụ thuộc vào các nghi lễ truyền thống. Một gia đình muốn làm Tết nhảy ít nhất cũng phải có 15 - 20 triệu đồng.
Đồ để làm Tết nhảy quan trọng nhất là bộ tranh thờ 2 cuộn bao gồm 15 bức tranh. Trị giá của 15 bức tranh này lên đến cả chục triệu đồng. Trong 3 ngày 3 đêm tổ chức ăn Tết nhảy, giai đình đó phải có 5 con lợn, gà, thực phẩm làm cỗ mời cả làng cùng anh em họ hàng gần xa đến ăn uống.
Bộ tranh mua về để làm Tết nhảy phải được làm lễ Khai Quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng. Anh Dương Văn Minh từng làm Tết nhảy cho biết: “Để mua được bộ tranh cúng trong Tết nhảy, tôi đã phải đặt mua trước một năm, một bộ gồm 15 cái. Sau lễ Khai Quang còn phải làm một lễ Lập Tĩnh lần hai nữa mới được phép làm Tết nhảy. Sau lễ này, gia đình sẽ được phép mổ trâu làm lễ Tạ Mả và được lập bàn thờ”.
Trong đám Tết nhảy, cùng với bộ tranh thờ mua từ Hà Đông vẽ các tướng quân, vệ sỹ, diêm vương phán xét, gia chủ phải mời được thầy lên đồng điều hành lễ nghi, 2 thầy phụ giúp chạy cờ, chạy kiếm, múa rùa... Trong Tết nhảy đặc biệt không có phụ nữ tham gia chỉ có thầy mo và thanh niên thay nhau nhảy 3 ngày 3 đêm.
Ngoài ra, còn có thêm những thanh gỗ có họa tiết hoa văn mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cái mai, thuổng, lệnh bài... Đây đều là những vật dụng không thể thiếu được trong Tết nhảy. Nó tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên đã dùng để lao động, chống giặc.
Mỗi nhà khi làm Tết nhảy bắt buộc phải nuôi và giết đủ 5 con lợn không kể to nhỏ mới hết nghi lễ, lợn sau khi được giết mổ, đầu lợn dùng để cúng tổ tiên. Mỗi lần làm Tết nhảy thịt đến mấy tạ lợn nhưng ăn thì không hết mấy. Số thịt lợn còn lại đó gia chủ luộc và treo lên gác bếp ăn dần có khi ăn đến cả mấy tháng cũng không hết.
Trong ba ngày ăn Tết, trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng đông người đến mừng chung vui Tết với gia chủ. Trong nhà luôn chật kín người. Tiếng trống, tiếng kèn, chuông đồng rộn rã, thúc giục. Trên vách gỗ, những bức tranh thờ được treo khắp nơi. Giữa nhà, mười người đàn ông đứng tuổi mang trang phục truyền thống của người Dao, nghiêm trang, thành kính, tay rung chuông, chân lướt như bay trên nền gạch theo tiếng nhạc và động tác của thầy mo...
Món ăn chính để cúng và dùng để ăn Tết nhảy là thịt lợn. Trong một mâm cơm, thịt lợn được xếp vòng tròn vun cao trên lá chuối hai bên có hai nhúm muối trắng, chính diện là bát nước nước mắm hành, tất cả những thứ đó đều bắt buộc phải có trong mâm cỗ người Dao nơi đây. Món nước sít được coi là món ngon nhất trong mâm cỗ trong Tết nhảy của người Dan. Nước sít là nước được luộc từ thịt lợn mà ra, sau đó chỉ thêm gia vị vào rồi ăn. Người Dao có cách pha chế riêng nên nước trở nên ngọt và có vị thơm.
Theo quy định của người Dao thì Tết nhảy trong nhà chỉ được dọn 2 mâm cơm dành riêng cho những vị có chức sắc trong làng và thầy cúng ăn, còn ngoài sân dưới bếp thì không quy định là bao nhiều mâm, tùy theo lượng người đến tham gia Tết cùng gia chủ.
Trong ba ngày ba đêm làm lễ Tết, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng, có độ dài 83 trang và gần 10.000 chữ, các bài hát được thầy mo hát đi hát lại trong 3 ngày đêm. Trong đó bài đầu tiên, thầy cúng thay mặt gia chủ xin phép tổ tiên đã chọn được ngày lành tháng tốt để làm Tết nhảy tạ ơn.
Trong các nghi thức cúng Tết nhảy có ba thầy cúng, trong đó một thầy chính và hai thầy phụ. Khi thầy cúng làm gì thì các thanh niên trong buổi lễ cũng phải làm theo như vậy. Ông Triệu Trấn Yên cho biết: “Những điệu múa trong lễ Tết nhảy khó lắm. Những người già trong làng phải dạy lại cho đám thanh niên thế hệ sau từng động tác thì mới duy trì được”.
Sau các màn múa rùa là màn chạy cờ, chạy kiếm mô phỏng lại chiến công giết giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng của các vị tướng ngày trước. Chiến thắng trở về, ca khúc khải hoàn các tướng mở tiệc khao quân.
Các nghi lễ cũng trong 3 ngày Tết nhảy được đan xen với tiệc ăn mừng rượu. Cứ múa hát, nhảy xong lại uống rượu. Tan bữa rượu lại tiếp tục lễ nhảy với những bài hát nói, điệu múa cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe, may mắn trong cuộc sống; ca ngợi, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương của các bậc tiền nhân. Cứ thế Tết nhảy diễn ra trong ba ngày liên tiếp, sau đó ai về nhà nấy trở lại công việc bình thường của gia đình mình.
Duy Tuyên - Thái Bá