Gia Lai:

Thú vị "Tết không ra khỏi làng" của người Bahnar

(Dân trí) - Với người Bahnar, Tết cổ truyền được tổ chức vào tháng giêng âm lịch, kéo dài 3 ngày. Trong những ngày Tết, người dân trong làng không được đi đâu ra khỏi làng để chứng minh lòng thành kính với “đấng tối cao”…

Người Bahnar ở Kông Chro (Gia Lai) tổ chức Tết không phải để tiễn đưa năm cũ và đón chào một năm mới, mà là để xin phép cho bắt đầu việc nương rẫy của một vụ mùa mới. Chính vì vậy, với người dân, đây là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm, là ngày để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như sự cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình lên Yàng, thần linh và cả những người đã khuất.

Thời gian một năm của người Bahnar được tính bằng một mùa nương rẫy (bắt đầu từ tháng giêng khi gieo trồng và kết thúc khi thu hoạch nông sản, khoảng tháng 11 âm lịch). Theo phong tục, sau khi thu hoạch mùa màng, tất cả mọi người dân trong mỗi làng đều không được làm bất kì việc gì liên quan đến nương rẫy khi chưa được tổ chức lễ cúng Smăh Cơ Cham (cúng đầu năm hay chính là dịp Tết). Và trong suốt thời gian chờ đợi Tết, người dân hầu như chỉ quanh quẩn trong làng và chuẩn bị rượu cần, heo, gà… cho ngày lễ.

Khi đã chọn được một ngày nào đó trong tháng giêng, già làng sẽ tổ chức họp thôn thông báo ngày cụ thể và lên kế hoạch tổ chức Tết. Do thời gian tổ chức Tết được chủ động nên mỗi làng đều có cái Tết riêng cho mình mà không có một ngày giờ bắt buộc có sẵn. Tết to hay nhỏ phụ thuộc vào kết quả thu hoạch nông sản của một vụ mùa. Không chỉ đặc biệt về thời gian mà Tết của người Bahnar còn thể hiện tính cộng đồng cao khi Tết không là của riêng nhà ai. Tất cả các gia đình đều tập trung tại nhà Rông của làng để cùng vui chơi, nhảy múa và ăn Tết. Người dân chỉ về lại nhà mình khi ngày thứ 3 kết thúc.

Những ghè rượu cần được xếp thành từng đôi thẳng hàng
Những ghè rượu cần được xếp thành từng đôi thẳng hàng

Làng Bro (thuộc xã An Trung, Kông Chro, Gia Lai) có 98 hộ, tổ chức Tết năm nay vào ngày 22 tháng Giêng. Để chuẩn bị cho ngày Tết, mỗi gia đình phải góp 1 ghè rượu, 100 nghìn đồng để cả làng mua 5 con heo, 2 con gà… Khi ngày Tết bắt đầu, những người đàn ông trong làng sẽ giết heo lấy máu vẽ lên cây nêu, đầu con vật sẽ được giữ lại để treo lên khu vực cây nêu cúng Yàng còn những người phụ nữ sẽ gùi ghè rượu của mình ra khu vực nhà Rông xếp theo từng cặp thẳng hàng…

Già làng cúng Yàng, thần linh để xin một vụ mùa bội thu, dân làng không đau ốm, dịch bệnh
Già làng cúng Yàng, thần linh để xin một vụ mùa bội thu, dân làng không đau ốm, dịch bệnh

Khi những vật cúng tế đã chuẩn bị xong, già làng sẽ đánh những hồi trống báo hiệu thời khắc quan trọng của một cái Tết bắt đầu. Tiếng cồng, chiêng nổi lên vang dội khắp núi đồi. Những người phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống nắm tay nhau nhảy xoang… Già làng và những người có uy tín trong làng sẽ đứng trước cây nêu cúng Yàng và thần linh, báo cáo tình hình trong làng và cầu mong “đấng tối cao” cho người dân một mùa màng bội thu, bà con trong làng khỏe mạnh, không bệnh tật… Bên cạnh đó là 4 người đàn ông trung niên ngồi trước những ghè rượu, bên cạnh cây nêu nói chuyện, gọi mời những hồn ma về ăn Tết với làng…

Những người ngồi dưới thì nói chuyện với các hồn ma
Những người ngồi dưới thì nói chuyện với các hồn ma

Khi lễ cúng kéo dài chừng 15 phút thì kết thúc. Những người tham gia cúng sẽ uống những ghè rượu đặt tại cây nêu. Tiếp đó, mỗi người đi đến từng ghè rượu của mỗi nhà để thưởng thức rượu cần. Già làng và những người tham gia cúng uống xong tất cả các ghè rượu của các gia đình thì những người khác mới được bắt đầu vào uống rượu, ăn thịt, nhảy múa… Cứ như thế, tất cả mọi người đều quây quần bên nhà Rông trong tiếng cồng, chiêng rộn rã.

Xung quanh là đội cồng, chiêng và những phụ nữ Bahnar nắm tay nhau nhảy xoang
Xung quanh là đội cồng, chiêng và những phụ nữ Bahnar nắm tay nhau nhảy xoang

Trong 3 ngày Tết, để tỏ lòng thành kính của mình lên “đấng tối cao”, tất cả người dân trong làng không được đi đâu ra khỏi làng. Khi tổ chức Tết xong, người dân trong làng mới được tự do làm việc nương rẫy, nếu ai làm trái với luật tục của làng thì sẽ bị Yàng phạt, dân làng kéo đến bắt vạ. “Mình làm như vậy là để ông trời nhìn xuống là biết được mình thể hiện sự tôn trọng các thần linh. Nhưng mấy năm nay, đời sống cũng tiến bộ hơn rồi. Học sinh đi học được ra khỏi làng. Cán bộ cũng được đi làm vì họ không phải cầm cuốc lên rẫy”, già làng Đinh Văn Tui (SN 1932) cho biết.

Đi đầu là thằng hề mua vui cho mọi người
Đi đầu là "thằng hề" mua vui cho mọi người

Và sẽ là một điềm báo đầy may mắn, báo hiệu một vụ mùa bội thu cho người dân trong làng khi sau 3 ngày Tết, trời ban cho dân làng một cơn mưa giải hạn. Điều này cũng có nghĩa Tết năm tới sẽ được người dân tổ chức lớn hơn, có cả trâu để đâm và hiến tế. “Cách đây 3 năm, sau khi tổ chức Tết xong, trời có mưa và năm đó mùa màng bội thu nên làng mình đã tổ chức rất lớn, làm lễ đâm trâu để cúng Yàng”, già Tui vui mừng kể.

Phụ nữ trong làng lâng lâng trong điệu xoang
Phụ nữ trong làng lâng lâng trong điệu xoang
Những người tham gia lễ cúng đi đến từng ghè rượu để thưởng thức rượu của các gia đình
Những người tham gia lễ cúng đi đến từng ghè rượu để thưởng thức rượu của các gia đình

Thiên Thư