Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan vi phạm pháp luật về đê điều.

Vừa qua, trên báo chí có phản ánh: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới xử lý được 5 vụ. Từ năm 2011 - 2019, thành phố tồn đọng hơn 1.800 vụ việc chưa xử lý; các vi phạm vẫn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều.

Cũng liên quan đến vi phạm pháp luật về đê điều, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Vụ Đê điều (Tổng cục phòng, chống thiên tai - Bộ NN&PTNT) cho biết, tại khu vực miền Bắc, TP Hà Nội là địa phương có số vụ vi phạm liên quan đến đê điều lớn nhất.

Các địa phương của TP Hà Nội có vi phạm về đề điều, gồm: huyện Phúc Thọ, quận Tây Hồ, quận Hoàng Mai, huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, huyện Gia Lâm, quận Hai Bà Trưng, huyện Ứng Hòa và quận Long Biên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện nay tại khu vực đất bãi ven sông của đê hữu Hồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng như cát, trạm trộn bê tông đã hết phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động một cách công khai. 

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội - 1
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội - 2

Hiện nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ có nhiều bến, bãi đã hết phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động công khai.

Bên cạnh đó, có một số bến tại khu vực trên còn vi phạm Luật Đê điều như tự ý xây kè làm trụ cho máy móc tời, cẩu vật liệu như cát, sỏi từ lòng sông lên bãi phía trên. Mặc dù sai phạm này đã được Bộ NN&PTNT kết luận và yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nhưng chủ bến vẫn chưa thực hiện tháo dỡ hoặc tháo dỡ chưa hết phần công trình vi phạm.

Về việc này, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho biết, đã nắm được sự việc và đã tham mưu cho UBND huyện để xử lý.

"Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Phúc Thọ để ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các bến hết phép hoạt động. Đối với các công trình vi phạm Luật Đê điều, huyện cũng phối hợp với các đơn vị chức năng để yêu cầu chủ bến thực hiện tháo dỡ và giao cho các xã thực hiện giám sát việc này", vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho biết.

Vị lãnh đạo trên thừa nhận, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có nhiều bến bãi ven sông đang hết phép hoạt động và đang chờ cấp mới đối với các bến đủ điều kiện.

Liên quan đến vi phạm đê điều nói trên, mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội.

Nguyễn Dương