1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Còn hơn 7.000 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện còn khoảng 7.100 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý và con số vi phạm ngày càng gia tăng.

Tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2020 do Tổng cục phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng nay (26/6) ở Hà Nội, các đại biểu thống nhất nhận định, theo quy luật thì sau hạn hán là mưa, lũ lớn. Do vậy, cần sẵn sàng phương án chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường nhất là ở các địa phương có đê, đặc biệt là có các điểm đê xung yếu cần kiên quyết xử lý ngay trước mùa mưa bão.

Còn hơn 7.000 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường. Cả nước ghi nhận 186 trận giông, lốc, mưa lớn trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, mặn xâm nhập nghiêm trọng tại ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL,…

Tính đến ngày 23/6/2020, thiên tai đã làm 49 người chết và mất tích; hơn 61.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; hơn 108.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.400 tỷ đồng.

Thông tin đáng lưu ý tại hội nghị là trên hệ thống đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt còn tồn tại 230 trọng điểm xung yếu; 399 km đê còn thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè hư hỏng, xung yếu; tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế do nhận thức của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương một số nơi đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều còn hạn chế…

"Vai trò của người đứng đầu cấp huyện có ý nghĩa then chốt trong thực hiện triển khai đảm bảo an toàn đê điều. Luật đê điều và các văn bản dưới luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ tịch huyện đến xã trong thực hiện nghiêm các quy định. Đề nghị các lãnh đạo cấp huyện ở các địa phương phải nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ được giao", ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai đề nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cả nước hiện có 230 điểm xung yếu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào. Các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng. Hiện còn khoảng 7.100 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý. Con số vi phạm đê điều không giảm đi mà ngày càng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đê điều ở hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng mặc dù được tu bổ hàng năm nhưng sau thời gian dài chưa có điều kiện thử sức với lũ lớn. Đây là điều các địa phương cần phải đặc biệt lưu ý.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, là một trong những địa phương thường xuyên chịu tác động thiên tai, bão lũ nên địa phương luôn xác định công tác phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ trọng tâm theo hướng “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Đồng thời tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều và nhanh chóng phát hiện xử lý các sự cố, đặc biệt chú trọng phương châm “4 tại chỗ”.

Cũng theo ông Phúc, trong công tác hộ đê, chống lụt bão phải hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, không lơ là, chủ quan. Khi phát hiện sự cố, hư hỏng của công trình phải báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền, đồng thời phải chủ động xử lý, ngăn chặn không cho sự cố phát triển xấu thêm.

"Thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở. Trong đó phải chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để khi sự cố xảy ra là huy động được ngay để xử lý kịp thời", ông Phúc nói.

Nguyễn Dương