Thủ tướng Việt Nam - Australia quan ngại sâu sắc về diễn biến trên Biển Đông
(Dân trí) - Trong cuộc hội đàm sáng nay (23/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa và bồi đắp các cấu trúc đang tranh chấp cũng như cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8. Lễ đón Thủ tướng Australia được tổ chức trọng thể sáng 23/8 tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, hai Thủ tướng bước vào hội đàm.
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Ngài Scott Morrison lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Australia; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố tình hữu nghị và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia trong tình hình mới.
Thủ tướng Scott Morrison chúc mừng những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế ở khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc; khẳng định Australia luôn coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam, một đối tác chiến lược then chốt của Australia trong ASEAN và khu vực.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa và bồi đắp các cấu trúc đang tranh chấp cũng như cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ. Hai nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Scott Morrison tái khẳng định các quốc gia cần tiếp tục giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS) và kêu gọi các bên tôn trọng và thực thi các quyết định được ban hành bởi các cơ chế này.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai Thủ tướng kêu gọi Bộ Quy tắc Ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Liên quan đến diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, ngày 19/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu quan điểm cho rằng vùng tàu Trung Quốc hoạt động thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Bác bỏ quan điểm nói trên của phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 22/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hành động vi phạm nghiêm trọng của nhóm tàu Hải Dương 8 - Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.
Việt Nam một lần nữa đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS 1982.
Châu Như Quỳnh