Thủ tướng: "Tự hào khi có những thương hiệu Việt vươn tầm thế giới"
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi gặp gỡ, nhiều Thủ tướng và nguyên thủ các nước đều nhắc tới Vietjet Air, Vinfast. Điều này khẳng định niềm tự hào khi có thương hiệu Việt vươn tầm thế giới.
Niềm tự hào vì là người Việt Nam cũng như sự vui mừng khi chứng kiến dấu mốc Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện được Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà con kiều bào cùng chia sẻ trong cuộc gặp gỡ tối 7/3 (giờ địa phương) ở Thủ đô Canberra, Australia.
Chủ động mang Việt Nam ra thế giới
Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm cho rằng chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi một mốc son mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Australia, mang lại niềm vui, niềm tự hào, đặc biệt cho cộng đồng người Việt Nam tại Australia.
Đại sứ khái quát mối quan hệ hai nước đang trên đà phát triển nhanh chóng, hợp tác giữa các địa phương hai nước có nhiều điểm đột phá với nhiều hợp tác được ký kết, số du khách Australia đến Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam hiện nằm trong 10 điểm đến hàng đầu của du khách Australia.
Vượt chặng đường xa hơn 700km từ Mebourne đến Thủ đô Canbera để tham dự cuộc gặp mặt với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Australia, chia sẻ niềm vui khi hai nước nâng cấp quan hệ và kỳ vọng việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho người Việt ở Australia trong phát triển thương mại, kinh tế.
Theo ông Phúc, cộng đồng người Việt Nam tại Australia là cộng đồng sắc tộc lớn thứ 5, và ngôn ngữ Việt Nam được đưa vào tất cả các trường trung học thành một ngoại ngữ ở Australia.
Nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhưng luôn hướng về quê hương, theo dõi sự phát triển của đất nước, ông Phúc kiến nghị gỡ vướng mắc về căn cước để những người Việt ở Australia được trọn vẹn là con của Việt Nam.
Ông Chu Hoàng Long, Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Australia, cũng vui mừng khi chứng kiến sự đi lên của đất nước và nhìn thấy một Việt Nam vững vàng trước nhiều sóng gió, thử thách.
Ông đề xuất thành lập giải thưởng khoa học do đích thân Thủ tướng trao cho các nhà khoa học Việt Nam; chủ động mang Việt Nam ra thế giới bằng cách đặt hàng các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu những vấn đề Việt Nam cần tìm hiểu.
Chia sẻ niềm tự hào với bà con kiều bào, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ghi nhận phản ánh về vấn đề căn cước, ông Sơn cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con ở nước ngoài có căn cước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông được truyền cảm hứng sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện cộng đồng người Việt ở Australia.
Dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều này không khó để chứng minh.
Ngược dòng lịch sử, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam là đất nước chịu nhiều đau khổ, mất mát khi phải đương đầu với chiến tranh và cấm vận hàng chục năm.
"30 năm chiến tranh và 10 năm bị bao vây cấm vận nên đời sống nhân dân rất khó khăn, tổng GDP khi ấy chỉ có 4 tỷ USD nhưng đến 2023 đạt 43 tỷ USD. Trước kia chúng ta phải đi vay từng cân gạo nhưng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8 triệu tấn, lớn nhất từ trước đến nay", Thủ tướng dẫn chứng.
Nền kinh tế dù khiêm tốn vẫn đáng tự hào
Trong mối quan hệ với bạn bè quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định bạn bè và lãnh đạo các nước đều thấy được giá trị thương hiệu của Việt Nam.
"Dù quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu chưa cao, nền kinh tế đang chuyển đổi còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vượt qua được, và quốc tế đánh giá cao điều đó", theo lời Thủ tướng.
Ông cũng không quên nhắc lại niềm tự hào là người Việt Nam, và kể câu chuyện vừa có 12 cuộc gặp gỡ với Thủ tướng, nguyên thủ cùng nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia, tất cả đều nhắc đến những thương hiệu của Việt Nam.
"Thủ tướng Australia, Thủ tướng Thái lan, Tổng thống Indonesia đều nói đến Vietjet Air, Vinfast. Nghĩa là chúng ta có những thương hiệu vươn tầm thế giới, nền kinh tế dù khiêm tốn vẫn đáng tự hào", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Ông chia sẻ thêm Việt Nam đang xây dựng 3 trụ cột chính của đất nước.
Một là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì dân chủ tạo ra sức mạnh, dân chủ là nguồn lực và chỉ có dân chủ mới tìm ra được người tài.
Hai là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi chính sách hướng đến người dân.
Ba là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật cung cầu, cạnh tranh; không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng cho biết hai nước Việt Nam - Australia vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất - quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Việc triển khai khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt tại nước sở tại.
Đặc biệt, Thủ tướng đã đề nghị Australia xem xét, công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, các nhà lãnh đạo Australia ghi nhận, đánh giá cao và cho biết sẽ tích cực xem xét ý tưởng này.
Phản hồi về các đề xuất của kiều bào, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo tại Australia. Ông giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giải thưởng về khoa học - công nghệ cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh, tiếp tục làm cầu nối vững chắc trong quan hệ song phương Việt Nam - Australia.
Hoài Thu (Từ Canberra, Australia)