Thủ tướng: "Từ bài học của Việt Nam, không gì là không thể"

Hoài Thu

(Dân trí) - Là một đất nước chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, Việt Nam đã vượt qua hận thù, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu trong đoàn kết quốc tế.

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi phát biểu về chính sách trước các nhà ngoại giao Brazil.

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Maria Laura da Rocha cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đầy ý nghĩa của hai quốc gia.

Bà Laura da Rocha mong hợp tác với Việt Nam về đổi mới sáng tạo, năng lượng, giáo dục - đào tạo, thương mại... "Chúng tôi muốn thúc đẩy quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trên diễn đàn đa phương và toàn cầu, duy trì cơ chế đối thoại", Bộ trưởng Ngoại giao Brazil nói.

Thiết lập quan hệ tốt đẹp với những nước từng đụng độ trong chiến tranh

Ví buổi chia sẻ về chính sách này như một cuộc tọa đàm để học hỏi kinh nghiệm về chính sách phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chia sẻ về 3 vấn đề lớn, gồm: Quá trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam; quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam; quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới.

Thủ tướng: Từ bài học của Việt Nam, không gì là không thể - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách trước các nhà ngoại giao Brazil (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chia sẻ về quá trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, Thủ tướng khái quát nhiều cuộc chiến tranh mà đất nước phải đối mặt và cho rằng để giành được độc lập, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh.

Bắt đầu đổi mới từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu từ đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính là xóa quan liêu bao cấp, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế. "Khi đó, với Việt Nam, đổi mới là việc không thể không làm", theo lời Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.

"Đến nay, những nước chúng tôi từng đụng độ trong chiến tranh như Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, chúng tôi đều thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Từ hận thù cho đến hàn gắn vết thương chiến tranh, Việt Nam đi tới bình thường hóa rồi nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược, Đối tác Chiến lược Toàn diện với các nước, đó là lý giải vì sao Việt Nam được coi là hình mẫu", Thủ tướng nói.

Ông nhắc lại việc tại diễn đàn Liên Hợp Quốc vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden khi phát biểu đã nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Mỹ là hình mẫu trong hàn gắn vết thương chiến tranh. "Từ hình mẫu này cho thấy không gì là không thể, nhằm kêu gọi đoàn kết quốc tế", theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Từ thực tế của Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và tái khẳng định "không gì là không thể", phải tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để ứng phó với những vấn đề toàn cầu, toàn dân.

Quan hệ Việt Nam - Brazil sẽ "đơm hoa kết trái"

Nói về quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xác định rõ mục đích phấn đấu.

Việt Nam đề ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

10 định hướng lớn cũng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ với Brazil.

Thủ tướng: Từ bài học của Việt Nam, không gì là không thể - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhiều định hướng lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).

Riêng trong đối ngoại, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng chính sách "ngoại giao cây tre" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng, cứng rắn, bền bỉ nhưng dẻo dai, mềm mại.

Là đất nước chịu quá nhiều đau khổ và hy sinh mất mát, Việt Nam xác định luôn yêu chuộng hòa bình. Vì thế, theo Thủ tướng, đảm bảo an ninh quốc phòng với việc kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không" là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc đến định hướng xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông tin về kết quả của quá trình phát triển, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho biết về kinh tế, tăng trưởng GDP hàng năm đạt bình quân khoảng 6,5% trong gần 4 thập kỷ qua.

"GDP bình quân đầu người từ khi đổi mới tăng từ dưới 100 USD lên khoảng 4.100 USD, đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI", Thủ tướng cho biết.

Trước tình hình thế giới có nhiều khó khăn, Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đặt mục tiêu đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát bội chi ngân sách…

Về chính trị - xã hội, tình hình ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%.

"Đặc biệt, Việt Nam đã làm rất tốt các chính sách an sinh xã hội, dù đại dịch đi qua và để lại hậu quả nặng nề nhưng người dân không ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quan hệ Việt Nam - Brazil, Thủ tướng cho rằng hai nước có sự gắn bó mật thiết và chia sẻ nhiều điểm tương đồng.

Ông đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh các lĩnh vực trọng tâm như chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, đổi mới sáng tạo…

"Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - MERCOSUR. Hai nước sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và MERCOSUR", Thủ tướng đề nghị.

Nhận định Việt Nam và Brazil đang đứng trước nhiều cơ hội mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin mối quan hệ hai nước sẽ sớm "đơm hoa kết trái".

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Brazil - Việt Nam Márcio Honaiser và các nghị sĩ thành viên.

Thủ tướng đề nghị các Nghị sĩ và Hạ viện, Thượng viện Brazil ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Brazil, giữa Việt Nam với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao…

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Márcio Honaiser khẳng định sẽ quan tâm, vận động các Nghị sĩ Liên bang quan tâm thúc đẩy khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR, cũng như Chính phủ Brazil công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Hoài Thu (Từ Brasilia, Brazil)