Thủ tướng sốt ruột vì một tỉnh từ "xanh rờn" thành "đỏ rực" Covid-19
(Dân trí) - Sốt ruột vì có tỉnh tỷ lệ ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng, như Kiên Giang (tỷ lệ 62%), Thủ tướng cho rằng do là địa phương không quán triệt chống dịch theo chỉ đạo, không xét nghiệm diện rộng…
Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trong tuần qua, bàn giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thời gian tới.
Tránh lơ là, nóng vội mở cửa trở lại
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Tuy tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước nhưng một số địa phương lại có số ca tăng cao như Đà Nẵng, Bình Dương, Long An.
3 địa phương cũng được Ban chỉ đạo quốc gia khuyến cáo cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch là TPHCM, Bình Dương, Kiên Giang. Đặc biệt, Kiên Giang được đánh giá là từ một tỉnh "xanh" đang có nguy cơ chuyển "đỏ".
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỷ lệ ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng ở các địa bàn với tỷ lệ 62%.
Thủ tướng bảy tỏ lo ngại vì tình hình dịch diễn biến phức tạp tại Kiên Giang bởi mức độ lây nhiễm rất lớn, ở cấp số nhân. Thủ tướng nhận định, việc này cho thấy tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây nhiễm, địa phương đã không xét nghiệm trên diện rộng để tầm soát dịch bệnh.
"Ở vùng "đỏ", vùng "cam" thì phải tập trung xét nghiệm thần tốc, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây nhiễm. Vậy mà Kiên Giang, tỷ lệ ca nhiễm trong cộng đồng giờ là 62%, chắc chắn 10 ngày tới còn lan ra nữa. Đây là do địa phương không quán triệt hết các biện pháp mà phòng chống dịch theo chỉ đạo. Từ một tỉnh "xanh rờn" thành "đỏ rực" như thế, tỷ lệ ca nhiễm ngoài cộng đồng như vậy thì bao giờ mới sàng lọc hết được?" - Thủ tướng sốt ruột.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ các chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, triển khai nhiệm vụ khẩn trương, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
Nhấn mạnh mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, Thủ tướng cũng nhắc phải tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay.
Một đồng phòng dịch hiệu quả đỡ hàng triệu đồng chống dịch
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các địa phương đảm bảo an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông yêu cầu các cấp chính quyền phải thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân, tiếp tục truyền thông để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm".
"Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân" - Thủ tướng nêu rõ.
Về đề xuất cho phép nới lỏng một số hoạt động và di chuyển của một số đối tượng đảm bảo an toàn; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về phòng, chống dịch… của lãnh đạo một số địa phương, Thủ tướng thống nhất yêu cầu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có đảm bảo một ứng dụng thuận tiện cho người dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.
Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022.
Bộ này cũng là cơ quan chủ trì xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất".