1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long

(Dân trí) - Sáng 3/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc và gắn biển đặt tên công trình là Đại lộ Thăng Long.

Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Thủ đô cùng các bộ, ngành gắn biển Đại lộ Thăng Long.
 
Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đường Láng - Hòa Lạc từ nay được vinh dự mang tên mới là Đại lộ Thăng Long. Con đường có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô mà còn cả vùng Việt Bắc, Tây Bắc của đất nước.

Đối với thủ đô Hà Nội, tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như: Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giầu tiềm năng như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai…
 
Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long - 2
Các đại biểu cắt băng chính thức thông xe dự án

Tuyến đường còn có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Xét trong mạng lưới giao thông tổng thể, tuyến đường này hoà với các quốc lộ: QL6, QL32, QL37, QL2… góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. 
 
Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long - 3
Thủ tướng chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của các công nhân lao động ngày đêm để công trình được hoàn thành.
 
Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài gần 30km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng - Hoà Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hoà Lạc Km31+064 (giao cắt với QL21 - đường Hồ Chí Minh), quy mô 6 làn xe.

Đây là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam hoàn toàn bằng nội lực và bằng nguồn vốn trong nước. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỉ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ thông xe và gắn biển đặt tên công trình Đại lộ Thăng Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương những nỗ lực vừa qua của tất cả các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án đường Láng - Hòa Lạc, Vinaconex cùng các đơn vị thi công đã lao động ngày đêm để dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 
Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long - 4
Đoàn xe các đại biểu đi tham quan toàn bộ tuyến Đại lộ Thăng Long

Tại buổi lễ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội tiếp quản Đại lộ Thăng Long, tăng cường quản lý tốt và tổ chức giao thông hiện đại.

“Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ và mong thủ đô cùng nỗ lực với khí thế hào hùng, phấn đấu, lao động sáng tạo để huy động mọi nguồn lực, ngày càng góp thêm nhiều công trình kết cấu hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển của thủ đô” - Thủ tướng khẳng định.

Được biết, hôm nay, tỉnh Hòa Bình cùng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã làm lễ khởi công xây dựng tiếp tuyến đường từ Láng - Hòa Lạc đến Hòa Bình, một tuyến đường có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của khu vực vùng phía Bắc.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm