Thủ tướng: Phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xử lý tình hình thiếu điện

Hoài Thu

(Dân trí) - Trước câu hỏi về phương án của Chính phủ trước việc thiếu điện như hiện nay, Thủ tướng cho biết đã giao cho cơ quan chức năng nắm tình hình, giải quyết kịp thời và phân công Phó Thủ tướng theo dõi.

Bên hành lang Quốc hội sáng 9/6, khi được hỏi về phương án của Chính phủ trước thực trạng thiếu điện trong sản xuất, kinh doanh hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao cho cơ quan chức năng nắm tình hình, giải quyết kịp thời và phân công Phó Thủ tướng theo dõi.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao phụ trách, theo dõi vấn đề thiếu điện để xử lý khi cần thiết.

Thủ tướng: Phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xử lý tình hình thiếu điện - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Minh Châu).

Lãnh đạo Chính phủ cho biết ngày 8/6, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

"Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống dưới 6% vào năm 2025", Chỉ thị nêu rõ.

Cũng chia sẻ quan điểm về việc này bên hành lang Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An nói rất lo lắng khi Bộ Công Thương công bố thông tin "miền Bắc có thể thiếu điện vào bất kể giờ nào".

Theo vị đại biểu tỉnh Đồng Nai, thiếu điện trầm trọng khiến việc cấp điện bị ảnh hưởng, không chỉ với khu vực dân sinh mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Vì thế, cần đánh giá tổng thể và cẩn trọng trên từng lĩnh vực, từng khía cạnh để tránh tác động đến kinh tế, xã hội, thậm chí làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.

Ông An cũng nhắc tới Chỉ thị của Thủ tướng về việc tiết kiệm điện vừa được ban hành. Chỉ thị nêu rõ thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trong cuộc trao đổi bên lề với báo chí cũng cho biết, thiếu điện là việc đã được Ủy ban Kinh tế cảnh báo từ mấy năm trước, từ khi chưa có dịch Covid-19.

Ông còn cho rằng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức 6-7%, thiếu điện có lẽ còn trầm trọng hơn bây giờ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng chỉ có mức độ và chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng đầu tư, không thể phát triển ồ ạt.

Nêu rõ thực tế về phát triển thủy điện, ông Thanh cho biết hiện nguồn này đã khai thác tới 80% công suất và gần như "không còn dư địa phát triển". Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Vì vậy, ông cho rằng việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính.

"Nghị quyết 55, cam kết COP26 có cả rồi, giờ về tài chính thì phải thực hiện", ông Thanh nói. Theo ông tới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về năng lượng.

Từ đầu tháng 6 tới nay, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc ghi nhận thường xuyên mất điện, thậm chí ở cả những địa phương có nhiều khu công nghiệp.

Theo thống kê, lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.