Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Lào dự Hội nghị cấp cao ASEAN
(Dân trí) - Ngay sau khi tới Thủ đô Vietiane của Lào để chuẩn bị tham dự chuỗi hoạt động trong Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Lào.
Trưa 8/10, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Wattay, Vietiane, Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Lào dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan, theo lời mời của người đồng cấp Sonexay Siphandone (Chủ tịch ASEAN 2024).
Tháp tùng Thủ tướng có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn Nguyễn Quốc Trị; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương.
Việt Nam mang đến ASEAN nhiều thông điệp quan trọng
Với hơn 20 hoạt động diễn ra từ 8 đến 11/10, đây là hội nghị cấp cao quan trọng nhất của ASEAN trong năm, có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste và 10 đối tác của ASEAN, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.
Mang chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", các hội nghị cấp cao lần này cũng là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi và đưa ra quyết sách chiến lược về những vấn đề quan trọng đang đặt ra cho ASEAN nói riêng và khu vực nói chung.
Các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất đúng hạn Kế hoạch Tổng thể 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng các chiến lược triển khai trong giai đoạn tới.
Hội nghị cũng bàn việc kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, được quan tâm hiện nay; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Dự kiến, hơn 80 văn kiện sẽ được đệ trình các lãnh đạo thông qua, ghi nhận những lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chống tội phạm mạng, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)...
Tham dự Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng trong nhiều phiên họp nhằm chia sẻ quan điểm của Việt Nam về những vấn đề đang đặt ra hiện nay cho ASEAN và khu vực.
Việt Nam cũng cùng các nước thảo luận tìm kiếm hướng đi và giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác và liên kết khu vực, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời, chủ động trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và đối tác để thúc đẩy quan hệ hợp tác cũng như trao đổi nhiều vấn đề cùng quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định với tâm thế sẵn sàng đóng góp và nỗ lực hết mình cho thành công chung, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng.
Một là định hướng hợp tác ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng theo xu hướng xanh - số - bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Hai là, định hình tương lai ASEAN. Trước các chuyển động nhanh, mạnh, sâu rộng của thời đại, các chiến lược phát triển mới của ASEAN được kỳ vọng nâng tầm hợp tác và liên kết ở khu vực theo hướng đổi mới, sáng tạo và hành động.
Ba là định vị vai trò của ASEAN. Ông Việt khẳng định ASEAN đã phát huy vai trò cầu nối, chuyển tải các khuyến nghị và góp phần gắn kết các ưu tiên, quan tâm chung ở khu vực với toàn cầu
"Với thành quả đã đạt được sau gần 6 thập kỷ, ASEAN có đủ khả năng và năng lực để tham gia và đóng góp sâu hơn, hiệu quả hơn trong các vấn đề toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
ASEAN là điểm sáng về kinh tế
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhận định Việt Nam là nước thành viên ASEAN có vai trò quan trọng trong thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN, có đóng góp to lớn trong việc đề ra chính sách và quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh; Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa - xã hội.
"Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển và phát triển nhanh chóng trong khu vực, có vai trò quan trọng và có mối quan hệ với nhiều nước, nhất là với các nước lớn, điều đó đã đóng góp trực tiếp vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN thông qua cơ chế ASEAN với các nước đối tác", Đại sứ nhấn mạnh.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, khó lường; cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, phân mảnh địa kinh tế gia tăng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ASEAN giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên, củng cố lập trường nguyên tắc trong các vấn đề quốc tế, khu vực.
ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới.