Thủ tướng: "Phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các quy định của luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện".

Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, nhấn mạnh khi kết luận Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, sáng 25/2. Phiên họp nhằm triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Có nguồn lực hàng chục tỷ USD nếu tháo gỡ được cho các dự án năng lượng

Đánh giá công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Theo ông, nếu đưa được các dự án này vào khai thác, sử dụng, sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỷ USD.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đang giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án bệnh viện Việt Đức 2 và Bạch Mai cơ sở 2; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương…

Thủ tướng: Phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn còn tình trạng lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công…, như nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân và nguồn lực không được huy động cho sự phát triển.

Chia sẻ mục tiêu tăng trưởng trên 8% thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh vì yêu cầu tăng trưởng rất cao nên phải huy động, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực phát triển.

Thủ tướng quán triệt việc phòng, chống lãng phí không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài.

Bên cạnh đó, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai, người đó phải giải quyết.

Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…

Thủ tướng: Phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo (Ảnh: Đoàn Bắc).

Các quy định của Luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày".

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Ông nhấn mạnh việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm.

Cùng với đó, hiện nay một số ban chỉ đạo, tổ công tác khác đang hoạt động cùng có chức năng, nhiệm vụ xử lý tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hợp nhất các Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nêu trên thành một Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 28/2.

Thủ tướng cũng cho rằng, với các trường hợp đặc biệt, đặc thù, phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, có không gian đổi mới sáng tạo cho người chịu trách nhiệm ra quyết định để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cao nhất, tránh công việc kéo dài, gây lãng phí.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý việc rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, cấp trên không làm thay cấp dưới.

Về tầm nhìn xa hơn, Thủ tướng định hướng, thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành. 

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, dám nghĩ dám làm, tự giác, tự lực, tự cường để phòng, chống lãng phí hiệu quả.