1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính phủ phê duyệt đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 12 tỉnh

Hoàng Tùng

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Quyết định được ký ngày 27/11 nêu rõ: Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Chính phủ phê duyệt đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 12 tỉnh - 1

Một đồng lúa của nông dân miền Tây (Ảnh: Bảo Kỳ).

Mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững…

Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre). Trong đó, giai đoạn 2024-2025, tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2026-2030, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL hướng dẫn tổ chức triển khai đề án; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công…