Thủ tướng muốn hợp tác với "đại gia dầu mỏ" nhưng không dựa vào tài nguyên
(Dân trí) - Đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Ả-rập Xê-út đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh định hướng hợp tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Sáng 19/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út nhân chuyến thăm nước này và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
"Từ Diễn đàn này, hai bên sẽ có thêm niềm tin, cơ hội, điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác", theo lời Thủ tướng.
Đẩy mạnh hợp tác trong những ngành mới nổi
Nhắc lại trong lịch sử, Việt Nam từng là một nước chịu nhiều đau khổ khi suốt thời gian dài phải đối mặt với chiến tranh và cấm vận, song Thủ tướng nhấn mạnh kể từ khi đổi mới năm 1986, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu.
3 trụ cột được Việt Nam tập trung xây dựng, theo Thủ tướng, đó là xây dựng nền dân chủ XHCN, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuân theo quy luật khách quan nhưng khi cần thiết vẫn có sự can thiệp của Nhà nước, ví dụ với vấn đề lớn như an sinh xã hội.
"Xuyên suốt của 3 trụ cột lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam xây dựng chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng Quốc tế.
"Việt Nam hiện có quan hệ với hơn 200 quốc gia trên thế giới, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước G20 và các nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam cũng đã ký được 16 FTA với hơn 60 quốc gia trên thế giới để mở rộng chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, theo lời Thủ tướng.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 752 tỷ USD, quy mô nền kinh tế đứng thứ 40 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng 20 thế giới.
"Chính sách quốc phòng "4 không" cùng với các chính sách về kinh tế, ngoại giao giúp Việt Nam ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư đến Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Trong những năm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trên 3%, tăng trưởng GPD năm 2022 trên 8%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Nhắc đến mối quan hệ hai nước, Thủ tướng nhận định đây là nền tảng để thúc đẩy hợp tác đầu tư sâu rộng, toàn diện, bền chặt hơn.
Với nhiều điểm tương đồng và chung tầm nhìn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Ả-rập Xê-út có dư địa, tiềm năng hợp tác rất lớn. Hai bên cũng có quan hệ thương mại có thể bổ sung cho nhau.
Trong hợp tác, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác trong những ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng phát triển không dựa vào tài nguyên mà dựa vào đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ…
Liên quan phát triển ngành nông nghiệp, thực phẩm Halal, Thủ tướng khẳng định Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu của Ả-rập Xê-út vì hiện có hơn 5.000 lao động Việt đang làm việc tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với UAE với kỳ vọng cuối năm sẽ mở cửa thị trường vào các nước vùng vịnh.
"Đây là những việc trong tầm tay chúng ta có thể làm. Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp đầu tư của các doanh nghiệp, sẵn sàng đồng hành nhằm tăng cường lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam", theo cam kết của Thủ tướng.
Chia sẻ rằng trong hợp tác kinh doanh sẽ có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, song Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là đồng hành, chia sẻ với nhau lúc khó khăn theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Việt Nam là điểm khởi đầu của hành lang kinh tế với các nước vùng vịnh
Ông Hassan Al Hwaiziy, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Ả-rập Xê-út cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2021, sau đó tăng lên hơn 3 tỷ USD vào năm 2023.
Thông tin Ả-rập Xê-út là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, ông Hassan Al Hwaiziy cho biết nước này có nhu cầu tăng xuất khẩu sang Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại, thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Ả-rập Xê-út là hơn 400 tỷ USD, trong đó 84 tỷ USD là xuất khẩu sản phẩm phi dầu mỏ, quan trọng nhất là các dự án siêu thành phố, siêu đô thị.
"Chúng tôi đang triển khai sáng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi hành lang kinh tế giữa các nước Vùng Vịnh, trong đó Ả-rập Xê-út là trục chiến lược và Việt Nam là điểm khởi đầu của hành lang này", theo lời ông Hassan Al Hwaiziy.
Ông kỳ vọng các lĩnh vực khác như du lịch, giải trí, truyền thông sẽ mở ra triển vọng hợp tác mới giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước.
Trao đổi thêm với phóng viên tại sự kiện này, ông Waqas Akram, Giám đốc thương hiệu Công ty TNHH Thương mại và tổng hợp Emi Việt, cho biết các sản phẩm nông sản như rau quả, cà phê, ca cao… hay thực phẩm khô và gia vị của Việt Nam cơ bản đáp ứng được thị trường Trung Đông, nhưng sản phẩm thịt đông lạnh còn hạn chế.
Lý giải, ông cho biết phương pháp giết mổ Halal có tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp cần sản xuất theo chuỗi từ con giống tới chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn giết mổ… "Việt Nam cần điều chỉnh, chấp nhận đầu tư cho thay đổi này", ông Waqas Akram nói.
Ngoài ra, ông cho rằng nếu Việt Nam điều chỉnh theo tiêu chuẩn Halal cũng sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch từ các nước Trung Đông.
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)