Thủ tướng bắt đầu chuyến thăm Ả-rập Xê-út, dự Hội nghị ASEAN - GCC
(Dân trí) - Ngay sau khi đặt chân tới Thủ đô Riyadh của Vương quốc Ả-rập Xê-út, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hoạt động đầu tiên với việc gặp gỡ, tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại đây.
Chiều 18/10 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống Riyadh - Thủ đô của Vương quốc Ả-rập Xê-út để bắt đầu chuyến thăm nước này và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay có Thống đốc và Thị trưởng thành phố Riyadh; Tổng Thư ký GCC và Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng và cán bộ Đại sứ quán.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ có một số hoạt động ngay khi đặt chân tới Ả-rập Xê-út, đầu tiên là gặp gỡ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn tại Vương quốc này.
Tối 18/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng sẽ tiếp ông Abdulrahman Al Zamil (Chủ tịch Tập đoàn Zamil) và lãnh đạo các Công ty Đầu tư công nghiệp Zamil, Thép Zamil, Zamil Việt Nam; ông Shehim Kottilingal (Giám đốc Tập đoàn Lulu Quốc tế); ông Ali Al-Khatib (Phó Giám đốc điều hành Công ty Aljan & Bros).
Ngày 19/10, người đứng đầu Chính phủ sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út và chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo bộ ngành và các quỹ phát triển tại đây.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC diễn ra sáng 20/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng. Sau đó, dự kiến Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo một số nước GCC và ASEAN.
Hoạt động cuối cùng của Thủ tướng tại đây trước khi rời Riyadh về Hà Nội là gặp gỡ cán bộ, nhân viên và người Việt Nam tại Ả-rập Xê-út.
Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng cho biết chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này là hoạt động cấp cao nhất của Việt Nam tại Ả-rập Xê-út kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010).
"Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Các hoạt động của Thủ tướng sẽ tập trung vào thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại, lao động…", theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng.
Đại sứ Dũng cho biết tại các cuộc tiếp lãnh đạo một số bộ, ngành quan trọng của Ả-rập Xê-út, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trao đổi với phía bạn về những định hướng và các biện pháp chính nhằm tăng cường quan hệ giữa các bộ, ngành của hai nước.
Ngoài tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp song phương, Thủ tướng còn có các cuộc tiếp riêng với lãnh đạo một số tập đoàn, công ty lớn của Ả-rập Xê-út. Những cuộc gặp này sẽ mang tính thực chất, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế cho cả hai bên.
Tại Hội nghị cấp cao ASEN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), dự kiến các lãnh đạo cấp cao ASEAN và GCC sẽ cùng thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác hai bên thời gian qua và đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN - GCC thời gian tới.
Hai bên cũng sẽ dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời dự kiến thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị cấp cao.
Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Ả-rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.
Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt, các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao - khoảng 38.447 USD/năm.
Tổng GDP của GCC được dự báo đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2050, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại.
Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu những Quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới, như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), PIF (Ả-rập Xê-út, tài sản ước tính khoảng 603 triệu USD), QIA (Qatar, tài sản ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.
Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC cũng phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam đạt hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)