Thủ tướng: "Không có doanh nhân giỏi, đất nước không thể thịnh vượng"
(Dân trí) - Nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nhân với sự phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nếu không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước không thể thịnh vượng.
Sáng 4/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các đại diện 200 doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ nếu thiếu đội ngũ doanh nhân giỏi
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong phần phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, cơn bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
"Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nói.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm về vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước, theo lời Thủ tướng.
Khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng nhấn mạnh trong thành tựu đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.
"Cổ nhân có câu 'Phi công bất phú, phi thương bất hoạt' để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng chia sẻ.
Theo ông, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại cuộc gặp lần này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.
Ông cũng muốn được lắng nghe góp ý về thể chế để phát triển đội ngũ doanh nhân lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển.
Mục tiêu được Thủ tướng nhấn mạnh là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt, theo lời người đứng đầu Chính phủ.
Còn ít doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn cho rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược.
"Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít, tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu, ông Dũng nhận định.
Ông cũng nêu thực tế một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng, bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước.
"Để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu", ông Dũng nói.
Bộ trưởng đề nghị bên cạnh cải cách thể chế, cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Ông cũng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo.
"Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực", ông Dũng nhấn mạnh.