Thủ tướng: "Hành động nhanh hơn để ứng phó biến đổi khí hậu"
(Dân trí) - Nhắc đến bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3 và thiên tai ngày càng khốc liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần hành động nhanh hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26), chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, gây hậu quả khốc liệt. Do đó, ứng phó biến đổi khí hậu cần hành động nhanh hơn nữa, trong đó có việc thực hiện cam kết về giảm phát thải.
Sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo COP26 và triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được luật hóa. Chương trình hành động và nhiều chương trình, dự án, đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 được xây dựng, triển khai. Tuy nhiên so với nhu cầu, diễn biến thực tế cần hành động quyết liệt hơn, theo Thủ tướng.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển xanh là xu hướng tất yếu và việc thực hiện cam kết giảm phát thải cần có "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm".
Mục tiêu được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng "0", bảo vệ môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, kết nối, vận động thu hút nguồn lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để vượt qua các khó khăn, thách thức.
Tại Phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu đánh giá những việc đã làm và chưa làm được, cũng như những khó khăn, vướng mắc để từ đó đề xuất giải pháp trong thời gian tới. Đặc biệt, ông lưu ý việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ sau phiên họp lần thứ 4 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án cụ thể để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà... nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong trung và dài hạn.
Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai…
Về phía các địa phương, một số thành phố lớn đã phát triển rộng rãi hệ thống tuyến xe buýt điện, mạng lưới xe đạp công cộng.
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã làm việc với nhiều lãnh đạo đối tác quốc tế để thúc đẩy tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ, mở ra cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng…