Thủ tướng khẳng định không để lặp lại cảnh đập phá doanh nghiệp

(Dân trí) - Phiên họp thường kỳ tháng 5, ngày 29/5, Chính phủ tập trung thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau sự việc một số địa phương để xảy ra việc người dân phản đối vụ giàn khoan bị kích động, quá khích, đập phá doanh nghiệp…

Báo cáo tổng hợp của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, sự kiện đáng tiếc xảy ra vừa qua có những tác động nhất định đến môi trường đầu tư nhưng không ảnh hưởng, tác động quá nhiều đến hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Dự kiến kim ngạch cả năm có thể vẫn duy trì được mức như năm ngoái, xuất khẩu khoảng 12-13 tỷ USD, nhập khẩu 36-37 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu liên quan đến thị trường Trung Quốc có thể vẫn duy trì như năm 2013, do hầu hết hợp đồng sản xuất và cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã được xác lập.

Về tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đến tháng 4/2014, cả nước có trên 70,8 nghìn lao động nước ngoài đã làm thủ tục cấp phép lao động hoặc đang làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động, trong đó có trên 31 nghìn lao động người Trung Quốc làm việc tại 998 dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định không để lặp lại cảnh đập phá doanh nghiệp


Ngay sau khi khi xảy ra một số hành vi gây rối, vi phạm pháp luật ở một số địa phương, ngành Lao động - Xã hội đã khẩn trương chỉ đạo các biện pháp rà soát, nắm bắt tình hình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên phạm vi cả nước và triển khai nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện kết luận của Thủ tướng về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.

Riêng đối 3 địa phương bị ảnh hưởng nhiều là Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, tình hình đã diễn biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và người lao động đã quay lại làm việc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại khắc phục khó khăn sớm trở lại sản xuất kinh doanh.

“Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp (DN) đang rất quan tâm đến việc Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ các DN bị thiệt hại như thế nào trong vụ việc này. Điều này ảnh hưởng đến những nhìn nhận của cộng đồng DN vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như có vai trò quan trọng trong việc khôi phục lòng tin và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Nhiều nhà đầu tư đánh giá cao việc xử lý tích cực của Việt Nam vừa qua. Có nhà đầu tư Nhật Bản nói rằng sự việc tương tự xảy ra tại Trung Quốc cách đây một năm, người dân Trung Quốc đập phá các cơ sở sản xuất kinh doanh của Nhật Bản nhưng chính quyền không hề có giải pháp nào để hỗ trợ DN. Còn Việt Nam đã làm tốt các biện pháp hỗ trợ.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc, dùng sức mạnh đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố DOC, thực sự đe dọa hòa bình an ninh ổn định.

Dẫn lại Hiến pháp 2013, Thủ tướng khẳng định độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng, không thể đánh đổi. Nhấn mạnh đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng, Nhà nước, Chính phủ bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mặt trận chính.

Trên thực địa kiên quyết duy trì lực lượng cảnh sát, kiểm ngư, tàu cá để bảo vệ vùng biển chủ quyền, đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc kiên quyết nêu rõ việc làm sai trái vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, yêu cầu dừng hoạt động và rút giàn khoan ra khỏi vùng thềm lục địa.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động thông báo sự việc một cách trung thực đối với cộng đồng quốc tế về hành vi vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng của Trung Quốc. Ngoài ra, biện pháp pháp lý là một nội dung đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cân nhắc, tính áp dụng phù hợp trong trường hợp cần thiết.

Nhấn mạnh mục tiêu kiên quyết đấu tranh kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan sai trái ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam nhưng vẫn duy trì quan hệ với Trung Quốc trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư, không chống nhân dân Trung Quốc.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không dùng lời lẽ kích động, hận thù, vẫn tiếp tục coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên các lĩnh vực bình thường, đấu tranh chủ quyền cứ đấu tranh, làm ăn cứ làm ăn, các hội nghị như ở Thượng Hải vừa qua Phó Chủ tịch nước của ta vẫn dự, các hoạt động quan hệ vẫn bình thường.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả các vụ việc gây rối, kích động xảy ra ở một số địa phương, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không để lặp lại, tái diễn sự việc, chỉ đạo triển khai các giải pháp khôi phục lại sản xuất.

Liên quan quan hệ Việt - Trung, Thủ tướng phân tích, Trung Quốc là nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới, là nước láng giềng của Việt Nam nên mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc là khách quan, tất yếu. Trong lúc thăng trầm, quan hệ kinh tế có ảnh hưởng nhưng Việt Nam luôn mong muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với Trung Quốc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc giữ bình thường quan hệ thương mại với Trung Quốc vì lợi ích của đôi bên. Thủ tướng cho rằng, không vì vụ việc giàn khoan mà thấy bế tắc trong quan hệ thương mại hay các lĩnh vực khác.

Về lâu dài, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có thị trường xuất nhập khẩu đa dạng, đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc và các nước theo hướng giảm dần nhập khẩu, cân đối xuất nhập, xuất siêu, tiến tới cân bằng xuất nhập với Trung Quốc.

P.Thảo