Thủ tướng kể chuyện thời đi học và về nước xin việc làm
(Dân trí) - "Thời chúng tôi học ở nước ngoài, khi về nước, có được việc làm đã là quý lắm rồi và cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm…" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Chiều ngày 15/5 (theo giờ địa phương), tiếp tục chương trình chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ đại diện trí thức Việt Kiều, thanh niên, sinh viên Việt Nam và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại New York.
"Ở đâu cũng vậy, tài năng bao giờ cũng được lựa chọn"
Trong cuộc gặp trí thức Việt kiều và thanh niên, sinh viên Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã nghe giới thiệu về tình hình sinh viên, thanh niên Việt Nam tại New York, nhóm giáo sư Việt kiều tại Đại học Columbia đã báo cáo về chương trình Việt Nam học tại đây.
Hiện Việt Nam có số sinh viên du học tại Mỹ nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á với gần 24.000 sinh viên trong giai đoạn 2019-2020, mỗi năm đóng góp khoảng 1 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.
Bạn Đỗ Triệu Hải - một sinh viên đang theo chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia - đặt câu hỏi về giải pháp thu hút chất xám vào khu vực công của Việt Nam, trong đó có vấn đề bằng cấp với cán bộ, để những người đi học ở nước ngoài có thêm động lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian làm việc tại Ban Tổ chức Trung ương ông rất muốn tuyển dụng các sinh viên xuất sắc nhưng việc chuyển đổi, công nhận bằng cấp lẫn nhau của Việt Nam và các nước đang có những vướng mắc trong thực tế. Các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp để giải quyết, nhưng việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia. Mặt khác, Việt Nam cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, muốn tuyển dụng được những nhân lực chất lượng cao, phải bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần cho họ. Nếu giải quyết được cả hai vấn đề này là tốt nhất, nhưng trong thực tế, những người có điều kiện tương đối tốt về vật chất thì có thể quan tâm hơn tới những nhu cầu tinh thần. Do đó, ở những nơi mà lợi ích vật chất chưa thật bảo đảm thì chúng ta cần chú ý việc xây dựng môi trường làm việc công khai, minh bạch, văn minh, người làm việc nhận được sự tôn trọng…
Chính phủ Việt Nam đang cố gắng tiếp tục triển khai việc nâng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công phù hợp với điều kiện đất nước; đồng thời chỉ đạo các cơ quan xây dựng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn trong các cơ quan nhà nước.
"Thời chúng tôi học ở nước ngoài, khi về nước, có được việc làm đã là quý lắm rồi và cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm. Bởi khi đó đất nước còn trong cơ chế quan liêu, bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, điều kiện hết sức khó khăn. Ngày nay, các bạn có nhiều lựa chọn hơn, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là năng lực, phẩm chất và ý chí của mình thế nào. Ở đâu cũng vậy, tài năng bao giờ cũng được lựa chọn" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Dù làm việc ở đâu, kể cả ở nước ngoài, các bạn vẫn có thể vừa giải quyết được nhu cầu của cá nhân, vừa đóng góp được cho đất nước, như một "đại sứ" của Việt Nam ở nước sở tại.
"Chúng ta không quá nặng nề chuyện làm việc trong nước hay ngoài nước, quan trọng nhất là hiệu quả làm việc, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và luôn nghĩ về đất nước, tự hào mình là người Việt. Dân giàu thì nước mới mạnh. Ở đâu đóng góp được cho đất nước thì cũng đều tốt cả" - Thủ tướng nói và chia sẻ thêm: "Tôi nhớ ngày còn đi học ở nước ngoài, điều mình ngại nhất là mình học tập thua kém một người ở nước khác, mình luôn muốn khẳng định trí tuệ của con người Việt Nam".
Mỗi người là một "đại sứ"
Sau khi nghe chia sẻ của Thủ tướng, một số ý kiến đồng tình và cho rằng những điều kiện tinh thần là rất quan trọng để người Việt Nam ở nước ngoài có thêm động lực về Tổ quốc làm việc; có ý kiến nêu ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình học tập, sinh sống tại nước ngoài.
Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những Việt kiều, sinh viên, thanh niên Việt Nam khi ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Trong dịch bệnh, Việt Nam nhất quán quan điểm đối xử công bằng với công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Trong quan hệ với các nước, chúng ta cũng luôn đề nghị các nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai các giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài theo các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp sở tại. Tuy nhiên, trong sinh hoạt, làm việc, học tập cũng có thể xuất hiện những khó khăn, vướng mắc… do sự khác biệt về văn hóa, Thủ tướng mong các sinh viên, thanh niên Việt Nam nỗ lực vươn lên khẳng định mình, đồng thời chia sẻ với người dân sở tại để hai bên hiểu biết hơn về nhau.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật.
Thủ tướng cho biết, Nhà nước có những ưu đãi nhất định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng phải phù hợp điều kiện chung của đất nước. Mặt khác, trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi nhiều mặt khác, như tình cảm đồng bào, văn hóa đất nước… và mỗi người sẽ cân nhắc, quyết định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Thủ tướng cũng mong bà con luôn tự hào về truyền thống văn hóa - lịch sử, về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua, mỗi người là một "đại sứ" tiếp tục đóng góp để nâng cao hình ảnh, ảnh hưởng Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.
Phải có tuyến đường sắt mới
Tại cuộc gặp gỡ, các sinh viên, thanh niên, trí thức bày tỏ sự quan tâm về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam ở Việt Nam.
Đề cập tới dự án này, Thủ tướng cho biết đây cũng là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và nhiều người dân Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành phê duyệt quy hoạch đường sắt, trong đó có quy hoạch tuyến đường sắt Bắc - Nam mới. Hiện vẫn còn những khác nhau về việc xây dựng tuyến đường này, như về tốc độ, phân kỳ đầu tư theo toàn tuyến hay từng đoạn…
"Tinh thần là phải có tuyến đường sắt mới để phát huy lợi thế của loại hình vận tải đường sắt, nhưng chúng ta phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể làm trước một đoạn rồi rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng làm các đoạn khác, phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước. Tinh thần chung là phải làm, thế hệ chúng tôi chưa làm thì thế hệ các bạn sẽ làm" - Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Mỹ hôm 11/5 để tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ; thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến đi này, Thủ tướng đã có những cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và nhiều cuộc làm việc quan trọng với các đối tác. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Joe Biden.
Ngày 12-13/5, Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Washington D.C. Ngày 14/5, Thủ tướng tới Boston và có nhiều hoạt động tại thành phố này.
Thủ tướng đến New York với lịch làm việc tại Liên Hợp Quốc, tham dự các hoạt động bên lề trong các ngày 15-16/5.
Dự kiến, chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng kéo dài tới ngày 17/5.