Thủ tướng kể chuyện gặp nhà thầu trên công trường giao thông đêm 30 Tết
(Dân trí) - Nói về năm 2023 của ngành GTVT, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ trên công trường giao thông.
Tinh thần lao động hăng say không đến từ sự hô hào
Sáng 28/12, trong sự kiện tổng kết năm 2023 của Bộ GTVT, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương toàn ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Nhìn lại một năm có 20 dự án giao thông về đích, trong đó có 9 dự án cao tốc trọng điểm, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương, đồng thời chỉ ra các yếu tố giúp tháo gỡ khó khăn của từng dự án.
"Một tinh thần hăng say, xuyên lễ, xuyên tết, không ngừng nghỉ, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, 3 ca 4 kíp được quán triệt từ lãnh đạo Bộ, ban quản lý dự án đến người công nhân trên công trường", Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận.
Ông khẳng định việc kêu gọi được tinh thần lao động không đến từ sự hô hào, bởi cả năm có một ngày 30 Tết, hô hào mà công nhân muốn về quê cũng không ngăn được. Điều quan trọng ở lãnh đạo ngành là làm cho công nhân yên tâm, để họ ở lại làm việc xuyên tết, xuyên ngày nghỉ.
"Tôi có lúc đi với nhà thầu đến 12h đêm ngày 30 Tết, qua 1h đêm còn gọi điện thoại hỏi đã về nhà chưa, sợ máy bay hết chuyến", Thủ tướng nhắc lại một kỷ niệm.
Năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành 20 dự án hạ tầng giao thông, gồm 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải; 2 dự án đường thủy.
Trong đó, 9 dự án cao tốc mới hoàn thành gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2 và Tuyên Quang - Phú Thọ.
Tất cả dự án trên đều có dấu chân thị sát của người đứng đầu Chính phủ. Có những công trình như cầu Mỹ Thuận 2, ông Phạm Minh Chính đã ghé qua động viên công nhân đến 4 lần trước ngày khánh thành.
Trong chuyến thị sát của Thủ tướng vào đầu năm 2023, mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2 bên phía Tiền Giang chưa thể giải phóng vì chi phí đền bù bị đội lên so với dự toán. Nhờ sự sáng tạo, suy nghĩ và tháo gỡ, công trình vẫn kịp về đích vào cuối năm 2023.
"Nếu vướng mắc không được tháo gỡ, cứ ì ạch thì làm sao xây dựng được đầu cầu phía Tiền Giang?", Thủ tướng nêu dẫn chứng.
Hay một ví dụ khác như khi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vào tháng 4, Thủ tướng cho biết lúc đầu thiết kế đường chỉ có 2 làn, sau đó lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT đã ngồi lại với địa phương, quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn phải giữ đúng tiến độ hoàn thành vào tháng 12.
"Vì trách nhiệm trước nhân dân, địa phương đã chấp nhận làm, bỏ thêm chi phí và hoàn thành tốt", Thủ tướng chia sẻ.
Ưu tiên đảm bảo quyền lợi người dân
Năm 2023, Thủ tướng cũng ghi nhận vai trò của Bộ GTVT trong việc tháo gỡ khó khăn, tiếp cận mỏ vật liệu, trong bối cảnh các quy trình, thủ tục khiến việc tiếp cận mỏ vật liệu thông thường khó khăn "như mỏ vàng".
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh, biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành GTVT và các địa phương.
Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần bám sát chỉ đạo và tiếp tục phân công lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra các dự án để kịp thời nắm bắt khó khăn nhằm tháo gỡ kịp thời để đạt tiến độ, mục tiêu đề ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà Đảng và Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá tích cực việc xây dựng, hoàn thành 5 quy hoạch ngành của Bộ GTVT, thời gian tới khi triển khai trong thực tiễn sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, Thủ tướng ghi nhận Bộ GTVT đã tiến hành khởi công các tuyến đường cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, dự án vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TPHCM.
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Với đặc thù hoạt động xây dựng hạ tầng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT phải hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Khi di dời người dân để thực hiện các công trình cần quan tâm đảm bảo quyền lợi việc làm, nơi ăn ở cho người dân để làm sao hài hòa nhất.