Thủ tướng: Đồng loạt khánh thành sân bay, cầu, cao tốc là dấu mốc lịch sử
(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh sự kiện khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông: Sân bay, cầu lớn qua sông Tiền và đường cao tốc ở cả 2 đầu đất nước với tổng vốn gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử.
Sáng 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm: Cảng hàng không Điện Biên; cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ , bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 (tỉnh Tiền Giang); Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự ở điểm cầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tỉnh Vĩnh Long).
4 công trình trọng điểm mang dấu mốc lịch sử
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự kiện khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông: Sân bay, cầu lớn qua sông Tiền và đường cao tốc ở cả 2 đầu đất nước với tổng vốn gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử.
Đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương tổ chức khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm trong cùng một thời điểm bằng hình thức trực tuyến.
Tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được gặp 20 chiến sĩ lão thành mà cách đây 70 năm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Sân bay Điện Biên sau hơn 70 năm mới được mở rộng, đã đón máy bay lớn hơn, suốt 24/24h. "Tôi nghĩ đây là món quà động viên các bác khi đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu của mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ" - Thủ tướng phát biểu và bày tỏ xúc động.
Theo Thủ tướng, giao thông vận tải nói chung, đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế xã hội. Giao thông phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giá trị gia tăng đất cao, đặc biệt giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm của Việt Nam.
Các công trình giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian, công sức, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, sản xuất, kinh doanh.
4 công trình đưa vào sử dụng khai thác góp phần nâng tổng số đường cao tốc Bắc Nam phía đông khai thác sử dụng lên 730km; đưa tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện nay gần 1.900km; hiện đang thi công gần 1.700km cao tốc kết nối Bắc Nam, Đông Tây.
"Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng ta có thể hoàn thành và vượt mức mà Đại hội Đảng XIII đề ra, đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc. Đến 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có trên 5.000km Bắc Nam, Đông Tây", Thủ tướng nhấn mạnh đây là việc khó nhưng quyết tâm làm.
Vượt nắng thắng mưa, ý chí kiến cường... để hoàn thành dự án
Theo Thủ tướng, các dự án khánh thành hôm nay có chung đặc điểm: Có nhiều vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ; kinh phí đầu tư có hạn, phải huy động cả trung ương, địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, vốn khác...
Các dự án triển khai trong bối cảnh nguyên vật liệu giá cả biến động, nền đất yếu, khan hiếm vật liệu thường xuyên. Thi công sân bay Điện Biên phải nghiền đá, tạo nguyên vật liệu thông thường thay cho cát sỏi; ở các tỉnh ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn mà khi làm dự án cũng chưa hình dung hết được.
Các công trình thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu nắng mưa, giãn cách, phong tỏa; giải phóng mặt bằng khó khăn, phải bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, với trách nhiệm cao của các bộ ngành, nỗ lực của địa phương, nhà thầu, kỹ sư, công nhân, sự giúp đỡ của nhân dân có dự án đi qua, với tinh thần "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiến cường, làm việc xuyên tết, xuyên ngày nghỉ" các dự án đã hoàn thành - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thay mặt Chính phủ cảm ơn sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, HĐND các địa phương; các bộ ngành, UBND các địa phương; chủ đầu tư... đã góp phần hoàn thành các dự án.
Qua triển khai các dự án, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan... rút ra bài học. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc phải đổi mới tư duy, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với đó là bố trí nguồn lực thực hiện, tăng cường giám sát, kiểm tra đôn đốc.
"Với 5 nhóm khó khăn tôi đã nêu, nếu không đôn đốc, kiểm tra, xử lý thì không thể hoàn thành được. 4 công trình ngày hôm nay hoàn thành sớm hơn tiến độ cũng là từ đó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý, các địa phương khi triển khai công trình lớn, gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các bộ, ngành; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân...