Thủ tướng giải trình về “cú sốc” lúa gạo

(Dân trí) - “Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt được các yêu cầu đề ra...” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình khi đăng đàn sáng nay.

Liên quan đến tiêu thụ lúa và điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng cũng trực tiếp giải trình trước QH. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu lúa gạo trên cơ sở tham mưu của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Hiệp hội lương thực VN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, kết quả sản xuất vụ Mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn. Các hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đã lên trên 2,4 triệu tấn.

Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhiều dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao. Khi đó, không ít doanh nghiệp lại tăng cường mua vào, để tích trữ cho xuất khẩu, tiếp tục đẩy giá gạo trong nước tăng lên.

Trước tình hình này, ngày 25/3/2008, Thủ tướng đã chỉ đạo ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới, sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan báo cáo.

Thủ tướng phân tích, quyết định này có nhiều lý do. Trước hết, nguồn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu khi đó chỉ đủ đảm bảo để thực hiện những hợp đồng đã ký. Trong khi cuối tháng 3 mới giao được 800 nghìn tấn, còn phải giao tiếp 1,6 triệu tấn. Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng mới theo Thủ tướng khi đó là cần thiết.

Khó khăn trong vụ lúa Đông Xuân ở miền Bắc, trên 17 nghìn ha mạ chết rét, phải cấy lại, dự báo khả năng 50% được mùa, 50% mất mùa. Vụ Hè Thu ở ĐBSCL cũng không đủ căn cứ dự báo kết quả thu hoạch. Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong trường hợp mất mùa.

Cuối tháng 3 giá gạo trên thế giới tăng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cũng có ý kiến đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường khi giá gạo đang cao. “Nếu ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các doanh nghiệp sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao, càng lên cao hơn, kéo theo giá các hàng hoá khác tăng mạnh, chắc chắn sẽ làm chỉ số lạm phát tăng, gây thiệt hại cho toàn xã hội và ngay cả những người trồng lúa” - Thủ tướng nói.

Đến đầu tháng 6, khi tình hình vụ Đông Xuân ở miền Bắc và vụ Hè Thu ở ĐBSCL có triển vọng tốt, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Tính đến 10/11, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay từ tháng 12 năm 2008.

Với việc khó khăn trong tiêu thụ gạo những tháng vừa qua, Thủ tướng giải trình, do giá gạo thế giới giảm, sản lượng lúa trong nước tăng 2,6 triệu tấn so với năm ngoái nhưng chất lượng thấp, khó bán và giá thấp. Lãi suất vay ngân hàng cao nên các doanh nghiệp cũng khó khăn hơn trong việc mua tạm trữ.

Vấn đề giải quyết để tiêu thụ số lúa tồn đọng cho nông dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vạch hướng, chỉ đạo doanh nghiệp mua vào. Dù đã mua đủ chỉ tiêu 900 nghìn tấn gạo, các doanh nghiệp hiện vẫn tiếp tục mua thêm (trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của Chính phủ).

Thủ tướng kết luận, trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo như đã báo cáo trên đây là vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt được các yêu cầu đề ra.

Lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 200 nghìn tấn so năm trước, giá xuất khẩu đạt trên 600 USD/tấn, gấp đôi năm ngoái (tương đương với giá gạo xuất khẩu Thái Lan). Theo điều tra của Bộ Tài chính, tỷ lệ lãi vẫn đạt khoảng 60%. “Tuy vậy, trong điều kiện lạm phát tăng cao, với thu nhập này thì đời sống người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn” - Thủ tướng xác nhận.

P.Thảo