Thủ tướng: Đường sắt cao tốc "không làm không được", phải quyết tâm
(Dân trí) - "Ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế để đi nhanh hơn và bền vững hơn", Thủ tướng nói về quyết tâm làm đường sắt cao tốc.
Nhiều trăn trở về ngành đường sắt cùng những định hướng, khát vọng thay đổi cơ bản ngành này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị tổng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chiều 9/1.
Chính vì nhiều điều trăn trở, người đứng đầu Chính phủ nói ông đã chủ động đề nghị được tham dự hội nghị này.
Thủ tướng và cuộc "phỏng vấn nhanh" ở Ga Hà Nội
Trước khi đến hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm ga Hà Nội, hỏi thăm từng cán bộ công nhân viên và hành khách đi tàu.
"Đoàn tàu có gì mới?", "Lương nhân viên đường sắt thế nào?", "Tàu chạy đúng giờ không?, "Dịch vụ tốt không?"... là loạt câu hỏi "phỏng vấn nhanh" của người đứng đầu Chính phủ.
Qua những trao đổi ngắn gọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, dịch vụ... của ngành đường sắt đang có tiến bộ.
Ông ghi nhận trong năm 2023, VNR cũng hoàn thành nâng cấp hàng trăm kilomet đường, hàng trăm cây cầu, nhiều khu ga mới... Kết quả kinh doanh vận tải cũng tăng cao hơn năm 2022.
Dù vậy, nhìn lại lịch sử 145 năm hình thành và phát triển đường sắt tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng những thành quả đạt được chưa tương xứng với bề dày lịch sử và với mong muốn của nhân dân.
Những điểm chưa tương xứng thể hiện ở kết cấu hạ tầng đường sắt đồ sộ nhưng còn lạc hậu, tốc độ chạy tàu chưa cao.
Nhấn mạnh gần 300 khu ga, 22.000 cán bộ công nhân viên cộng với thiên nhiên và đất đai là những nguồn lực sẵn có, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo VNR phải thay đổi tư duy, phát huy hiệu quả các nguồn lực này để hoàn thành nhiệm vụ.
Cho rằng "3 năm qua đường sắt đã khác hẳn", Thủ tướng nói rằng những thay đổi của ngành cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không.
"Cũng ngần ấy tài sản, ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều, nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi", Thủ tướng động viên ngành.
Với khí thế này, ông nhấn mạnh ngành đường sắt cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn trong năm 2024.
Phấn đấu hoàn thiện đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào 2045
Tại hội nghị, Thủ tướng nhận định hệ thống đường sắt Việt Nam do Pháp xây thế nào, đến nay còn nguyên như vậy. Điều này khiến ông rất trăn trở, trong khi nhiều nước đã có đường sắt cao tốc.
"Nhưng trăn trở, băn khoăn, lo âu mãi rồi, giờ phải biến trăn trở thành dự án, chương trình cụ thể, xin cấp có thẩm quyền chủ trương nghiên cứu để đầu tư", Thủ tướng khẳng định.
Ông nhắc lại Kết luận 49 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.
"Để thực hiện mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc", theo lời Thủ tướng.
Ông khẳng định việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được.
"Ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm đi sau về trước, tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn", Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.
Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Với tuyến đường sắt từ thời Pháp, quá trình làm sẽ phải nghiên cứu xem giữ lại hay làm mới. Các nhà khoa học và nhà quản lý phải chứng minh được để có lựa chọn phù hợp, tìm nguồn vốn và công nghệ để làm.
Về nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; khẩn trương, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thành việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động...
VNR kết thúc năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 8.503,8 tỷ đồng, tương đương 101,7% kế hoạch năm.
Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp lỗ 130,5 tỷ đồng, giảm 407 tỷ đồng so với năm 2021.