Thủ tướng nói về kế hoạch hợp tác xây cao tốc, đường sắt kết nối Việt - Lào
(Dân trí) - Đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane… là định hướng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Định hướng quan trọng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở khi cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào sáng 7/1, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Sonexay Siphandon.
Thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ghi nhận sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào thời gian qua. Theo ông, việc này đã góp phần kích thích sự phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Lào.
Người đứng đầu Chính phủ Lào nhấn mạnh hai nước cần nỗ lực, quyết tâm tạo bước ngoặt mới, triển khai các dự án hợp tác mới, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào.
Ông Sonexay Siphandone cho biết Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư; xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn quốc.
Chính phủ nước này cũng đang yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp từng giai đoạn; đồng thời tiếp tục lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Lào mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong những lĩnh vực nước này có thế mạnh, như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch…
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan; có ý nghĩa chiến lược.
Ông nhấn mạnh hai bên cần ưu tiên để thúc đẩy, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Ghi nhận kết quả hợp tác thời gian qua, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới cần có đột phá.
Trong đó, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng định hướng cần tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới.
Thủ tướng cũng cho rằng cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...
"Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chế biến, đặc biệt Việt Nam có thị trường rộng lớn với hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận", theo lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ mỗi nước xây dựng chính sách, tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần có chính sách ưu tiên phù hợp cho doanh nghiệp hai nước, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp".
"Mỗi chương trình, dự án hợp tác không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Sự thành công của các chương trình, dự án hợp tác đầu tư khẳng định và củng cố sự tin cậy chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi nước", theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Sonexay Siphandone cùng chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào trong lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.
Tổng vốn đầu tư đăng ký sang Lào đạt gần 5,5 tỷ USD
Trong 11 tháng 2023, Việt Nam có 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD (tăng 71,7% so với cùng kỳ). Cũng trong 11 tháng, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD.
Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt gần 5,5 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Lào trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào (trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tài trợ cho cộng đồng, xây dựng trường học, đường sá, nhà tái định cư... cho người dân vùng dự án, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa (với tổng trị giá khoảng 150 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.