Thủ tướng dự lễ khởi công tuyến cao tốc Nam Định - Thái Bình
(Dân trí) - Sáng 12/5, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú.
Tham dự và chỉ đạo lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh; ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: T.Đạt).
Dự án tuyến cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư PPP với chiều dài khoảng 60,9km; trong đó trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3km.
Thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, cam kết bảo đảm nguồn lực tài chính cho các dự án được khởi công, tiến độ và chất lượng công trình, vận hành, bảo trì, tuân thủ quy định pháp luật, trách nhiệm xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình và nhanh chóng hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, được đầu tư theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, toàn tuyến cao tốc CT.08 có tổng chiều dài 117km và đi qua các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028. Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện, Tập đoàn Geleximco cùng liên danh là chủ đầu tư.
Dự án khu công nghiệp Hưng Phú cũng do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, có diện tích trên 200ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, có vị trí chiến lược thuận lợi tiếp giáp với vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (Ảnh: T. Đạt).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá, đây là hai dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu giữ đúng cam kết, khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công trên tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng nhấn mạnh tuyến cao tốc Nam Định - Thái Bình phải được hoàn thành sớm ít nhất 6 tháng, cố gắng đưa vào khai thác trong năm 2026 để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: T. Đạt).
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xuống tận công trình để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, động viên nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động, không để họ cô đơn trên công trình; quan tâm đời sống người dân; tháo gỡ vấn đề nguyên vật liệu; khẩn trương quy hoạch để khai thác, phát huy tối đa lợi ích từ tuyến cao tốc.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, tỉnh Thái Bình tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sẽ cụ thể hóa thành các yêu cầu, nhiệm vụ, các mốc thời gian và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong suốt quá trình từ nay cho đến khi hoàn thành dự án…
Tuyến cao tốc CT.08 được coi là trục giao thông chiến lược quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía nam sông Hồng, bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và các tỉnh, thành phố duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái; đồng thời tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ, mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nói riêng.