Thủ tướng đọc ca dao nói về tiềm năng phát triển của Sóc Trăng
(Dân trí) - Tối 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự lễ kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng và mừng TP Sóc Trăng được công nhận đô thị loại II.
Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng được chia tách từ tỉnh Hậu Giang. Lúc đó, Sóc Trăng được xem như là "vùng trũng" bởi có quá nhiều khó khăn về mọi mặt. Thế nhưng, bằng nội lực của mình và sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng không ngừng nỗ lực vươn lên, tập trung khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định được vị thế của mình trong khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực mà Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.
"Bên cạnh những thành tích nổi bật trong 3 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn", Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sóc Trăng cần tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết giữa các dân tộc. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu triển khai các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có cảng biển Trần Đề, đường cao tốc kết nối vùng với Cần Thơ.
Thủ tướng cũng đề nghị Sóc Trăng rà soát, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, dàn trải, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, có tác động lan tỏa, tạo ra động lực và không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần phát triển các sản phẩm riêng có của Sóc Trăng như về khai thác thế mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất lúa chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ.
Tiếp tục giữ gìn, phát huy và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh, gắn với phát triển du lịch; thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, gia đình chính sách. "Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng lưu ý.
"Tiềm năng phát triển của Sóc Trăng rất lớn. Như câu ca dao: "Sóc Trăng nước mặn đồng bằng/Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho/Kế Sách, Ba Rinh, Xà Mo/Lắm vườn nhiều ruộng, không lo mất mùa", Thủ tướng Phạm Minh Chính viện dẫn.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, đến nay Sóc Trăng trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. Năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 36,7% và đến cuối năm 2021 chỉ còn khoảng 6,64%.
Về định hướng và phát triển đến năm 2025 của tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu cho biết ngoài một số chỉ tiêu đề ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhập dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước trao tặng; đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng; một cá nhân là ông Phan Văn Sáu, nguyên Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.