Thủ tướng đến San Francisco, bắt đầu lịch trình hoạt động tại Mỹ
(Dân trí) - Chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Mỹ là San Francisco, với nhiều hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ.
Sáng 18/9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến San Francisco, bắt đầu lịch trình hoạt động tại Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nhiều hoạt động thúc đẩy đầu tư
Nhân sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự kiến có những cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ và hội kiến với lãnh đạo chính quyền, Quốc hội Mỹ, tham dự một số hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ là San Francisco với nhiều hoạt động quan trọng. Ngay sau khi đến đây, Thủ tướng sẽ gặp gỡ đại diện trí thức, doanh nhân, sinh viên và bà con người Việt, tham dự chương trình giao lưu văn hóa biểu diễn nghệ thuật.
Nhiều hoạt động có ý nghĩa về hợp tác, đầu tư cũng có trong lịch trình của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Ông sẽ làm việc với một số đại diện doanh nghiệp Việt kiều ở San Francisco; thăm và nói chuyện tại Đại học Tổng hợp San Francisco; tiếp đoàn chính trị gia Oregon. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ tiếp Thị trưởng, Phó thị trưởng và một số chính trị gia tại địa phương.
Đặc biệt, trong chuyến công tác tới San Francisco lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ 2023 với chủ đề "Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ và cơ hội cho doanh nghiệp hai nước".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đến thăm một số doanh nghiệp công nghệ của Mỹ tại Thung lũng Silicon; thăm và làm việc tại công ty sản xuất chip bán dẫn NVIDIA; thăm làm việc tại công ty Meta.
Dấu mốc lịch sử khi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10-11/9, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã cùng tiến thêm một bước khi quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
"Đây là mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển rất cao trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Nó sẽ tạo luồng không khí mới thuận lợi cho việc phát triển quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các nước lớn, với tổ chức quốc tế, với thế giới và khu vực. Đặc biệt, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh của Việt Nam", GS.TS Nguyễn Hồng Quân (nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng), nói với phóng viên Dân trí.
Nhìn nhận đây là sức mạnh vô hình, song ông Quân nói đó thực chất cũng là yếu tố giúp củng cố nội lực đất nước, là minh chứng cho thấy Việt Nam được các nước lớn chú ý đến, quan tâm, mong muốn mở rộng và thúc đẩy quan hệ đi vào thực chất, chiều sâu.
Đánh giá mối quan hệ hai nước vào thời điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng có nhiều thuận lợi.
Thực thế cho thấy hiện nay khu vực và thế giới đang hình thành nhiều khối đối chọi, nhưng Việt Nam luôn giữ được cân bằng. "Chúng ta không chọn phe, không đứng về bên nào. Điều này thể hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả", ông Quân nói.
Ông nhấn mạnh chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam đang phát huy sức mạnh nội lực.
Với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, vị chuyên gia nhìn nhận Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi nhiều nước đều cảm nhận được môi trường chính trị hòa bình, ổn định để có thể yên tâm tăng cường đầu tư.
Chuyến công tác tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này vì thế có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc vào tháng 9/1977. Hơn 40 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Mối quan hệ này cũng thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc, tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên Hợp Quốc về hợp tác phát triển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên Hợp Quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động" của Liên Hợp Quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc và ghi được nhiều "dấu ấn" Việt Nam tại các cơ quan như tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC).
Liên Hợp Quốc là tổ chức hiện có 193 quốc gia thành viên. Liên Hợp Quốc là cơ chế để quốc gia thành viên thúc đẩy những điểm tương đồng, cùng nhau giải quyết các vấn đề và đưa ra quyết sách chung với những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Đại hội đồng là cơ quan thảo luận và hoạch định chính sách mang tính đại diện bao trùm nhất của Liên Hợp Quốc, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quốc gia thành viên đều được một phiếu bầu.
Vào tháng 9 hàng năm, nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tụ họp tại trụ sở của tổ chức ở New York (Mỹ), để bắt đầu Phiên thảo luận chung của khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Hoài Thu (Từ San Francisco, Mỹ)