Thủ tướng: "Đầu kỳ thì Formosa, cuối kỳ thì virus Corona hoành hành"
(Dân trí) - "Chúng ta phải gồng mình chống chịu do dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi hội nhập kinh tế sâu-rộng. Lao động thất nghiệp lớn, chúng ta mất hàng chục triệu khách du lịch quốc tế...".
Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Lần đầu tiên gần 1 triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XIII.
Việt Nam là điểm sáng toàn cầu trong thực hiện thành công "mục tiêu kép"
Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị (28/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Phần thứ nhất, Thủ tướng giới thiệu nội dung đánh giá thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016-2020.
Về kết quả đạt được trên các lĩnh vực, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ cao: Bình quân 10 năm 2011-2020 đạt 5,95%; năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91%, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công "mục tiêu kép".
"Hàng triệu người trên thế giới đã chết vì dịch Covid-19, mà tương lai về đại dịch này chưa biết sẽ còn diễn biến ra sao. Phương châm chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 là không chủ quan. Người ta nói "vắc xin + 5K", nhưng chúng tôi đổi lại là "5K + vắc xin", tức là khâu phòng ngừa phải đặc biệt quan tâm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là gần đây dịch đang bùng phát ở Philippines và Campuchia. Sáng nay, Thủ tướng đã viết thư gửi cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen để chia sẻ khó khăn khi quốc gia này đang đối phó với dịch Covid-19. Việt Nam đã quyết định hỗ trợ Campuchia 200.000 USD để đối phó với dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, tình hình trong nước, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ công cao, nợ xấu tăng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; Độ mở lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu hạn chế; Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp hơn; Dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
"Người ta nói là đầu kỳ nước ta gặp sự cố Formosa, cuối kỳ thì virus Corona hoành hành. Chúng ta phải gồng mình chống chịu, do dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi hội nhập kinh tế sâu-rộng nên ảnh hưởng rất lớn. Lao động thất nghiệp lớn, chúng ta mất hàng chục triệu khách du lịch quốc tế...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặt dù đối mặt những khó khăn đó, nhưng giai đoạn qua, chất lượng tăng trưởng vẫn được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFT) đạt 33,6% giai đoạn 2011-2015 và 45,7% giai đoạn 2016-2020; Tốc độ năng suất lao động bình quân 2011-2015 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 5,9%.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, thập kỷ qua, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối kinh tế lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện.
Về cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực;
Cơ cấu kinh tế ngành và nội dung ngành chuyển biến tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên.
Đối với phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới, theo Thủ tướng: Phát triển vùng có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đẩy mạnh; Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, dần hình thành mạng lưới đô thị; Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm....
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong 10 năm qua, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn mới đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực chưa được phát huy; Thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm;...
Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng chỉ rõ: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất; Tính thượng tôn pháp luật chưa cao, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; Chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, năng lực của con người Việt Nam trong phát triển; Phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế, quản lý xã hội trong thực tiễn ở một số lĩnh vực, một số nơi chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao;...
5 bài học kinh nghiệm
Từ thực trạng trên, Thủ tướng nêu 5 bài học kinh nghiệm, đó là: Đảm bảo mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định; Kiên định ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế;
Thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển;
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân;
Thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực, để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp;
Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.