Thủ tướng: "Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi hành động phải vượt ra khỏi tiền lệ"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và hành động phải vượt ra khỏi tiền lệ trong một bối cảnh đặc biệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo 7 nước là khách mời và một số tổ chức quốc tế lớn đã tham dự phiên thảo luận "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản, chiều 20/5. Đây là phiên họp đầu tiên của hội nghị.

Thủ tướng gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và tất cả lãnh đạo các nước G7 (Video: Hoài Thu - Minh Quang).

Tạo xung lực mới cho phục hồi tăng trưởng

Biện pháp ứng phó với những cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ diễn ra ngày càng thường xuyên, trong nhiều lĩnh vực như lương thực, y tế, kinh tế... đã được các nhà lãnh đạo cùng nhau thảo luận.

Trong phát biểu quan trọng tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quan điểm "bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương".

Thủ tướng: Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi hành động phải vượt ra khỏi tiền lệ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản (Ảnh: Dương Giang).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu, theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO… là những đề xuất được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu ra tại phiên thảo luận chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh sáng kiến của G7 về Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), đồng thời đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.

Với mục tiêu phát triển lấy người dân làm trung tâm, động lực, chủ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp về việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn. Theo ông, đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay.

Khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

"Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hiroshima", lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cam kết.

Thủ tướng: Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi hành động phải vượt ra khỏi tiền lệ - 2

Lãnh đạo các nước G7, G7 mở rộng chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị (Ảnh: Dương Giang).

Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên phong và xây dựng cơ chế hiệu quả để ứng phó với tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

"Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tích cực đóng góp vào các nỗ lực giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì phát triển bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị.

Nguy cơ nợ tăng cao ở nhiều nước nghèo và đang phát triển

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo G7 và khách mời đã tập trung thảo luận về biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

Các ý kiến thảo luận nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng đan xen, trong đó có nguy cơ nợ tăng cao ở nhiều nước nghèo và đang phát triển, khoảng cách phát triển và bất bình đẳng gia tăng.

Thủ tướng: Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi hành động phải vượt ra khỏi tiền lệ - 3

Lãnh đạo cấp cao các nước trong phiên thảo luận chung về chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (Ảnh: Dương Giang).

Theo quan điểm được đưa ra trong phiên thảo luận, các quốc gia cần đặt phát triển làm trung tâm, tăng cường sáng kiến huy động nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có triển khai sáng kiến về đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7.

Các nhà lãnh đạo cũng đã nêu giải pháp tạo thêm động lực mới cho Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó chú trọng huy động nguồn lực của khu vực tư nhân, tăng cường tài chính cho phát triển, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, bảo đảm minh bạch về nợ, tiếp tục hợp tác y tế và bình đẳng giới.

Phiên họp đã tán thành triển khai mạnh mẽ Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu theo sáng kiến của Nhật Bản.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là một diễn đàn quốc tế quan trọng, có sự tham dự của lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và các quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín, nhằm thảo luận, thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng trong 7 năm trở lại đây. Điều này thể hiện vị thế, uy tín cũng như những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, cho thấy sự ghi nhận, đánh giá tích cực của các nước G7 và cộng đồng quốc tế đã được các nước G7 ghi nhận.

Hoài Thu (Từ Hiroshima, Nhật Bản)