Thủ tướng Canada: Vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế
(Dân trí) - Qua việc Nhật Bản và các nước G7 khác mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng, ông Justin Trudeau đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sáng 20/5, người đứng đầu Chính phủ hai nước Việt Nam - Canada có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, tại Hiroshima, Nhật Bản.
Canada là một trong bảy nước thuộc Nhóm liên minh G7 - những nước có nền công nghiệp tiên tiến, còn Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với tư cách khách mời, theo lời mời của Chủ tịch G7 năm 2023 - Nhật Bản.
Nêu điểm sáng về kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn Canada tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa sang thị trường Canada.
Với việc Nhật Bản và các nước G7 khác mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Justin Trudeau đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, khủng hoảng, kinh tế thế giới chậm phục hồi, người đứng đầu Chính phủ hai nước nhấn mạnh cần kết nối, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Thủ tướng J.Trudeau đồng thuận cao với các đề nghị của người đồng cấp về các biện pháp thúc đẩy quan hệ, trong đó duy trì thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP và các khuôn khổ khác.
Thủ tướng Trudeau cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Canada tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như thương mại - đầu tư, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Ông Modi đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.
Ông cho rằng quan hệ thương mại song phương thời gian qua phát triển rất tích cực với kim ngạch đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2022.
Đề cập tới phương hướng hợp tác, Thủ tướng Ấn Độ cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số biện pháp, định hướng cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường và đầu tư kinh doanh, khai thác tiềm năng và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Liên bang Comoros, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh trao đổi thông tin về kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ hội, thế mạnh của mỗi bên.
Về hợp tác song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Comoros tạo điều kiện cho một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, máy móc... tiếp cận thị trường nước này.
Ông đồng thời khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ AU hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Phi hội nhập, thịnh vượng và hòa bình, vì người dân. "Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và AU", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tổng thống Azali Assoumani cũng nhất trí việc hai bên sớm đàm phán, ký kết một số văn bản quan trọng như Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ… để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương. Về hợp tác đa phương, Comoros sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, vai trò của luật pháp quốc tế.
Hoài Thu (từ Hiroshima, Nhật Bản)