1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ

(Dân trí) – Thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ cao cấp bậc 6 trở lên. Phó Tổng Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Sở cần đạt trình độ ngoại ngữ trung cấp bậc 4 trở lên…

Đây là điểm mới đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được Bộ Nội vụ đăng tải, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Dự thảo Nghị định đưa ra những tiêu chuẩn khi thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức với phạm vi điều chỉnh, đối tượng mở rộng đến cả các chức danh Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng cấp Bộ; Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh so với các văn bản quy phạm hiện hành.

Cụ thể, ở cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, dự thảo bổ sung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cho 8 đối tượng gồm: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Phó Vụ trưởng cấp Bộ, Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng cấp Tổng cục, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng của tổ chức thuộc Bộ. Ở cấp tỉnh, có 5 nhóm chức danh lãnh đạo được bổ sung là: Phó Giám đốc sở, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc sở, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng cấp huyện.
 
Các Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng phải sử dụng được thông thạo ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng.
Các Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng phải sử dụng được thông thạo ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng.

Dự thảo Nghị định quy định 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh. Trước hết, yêu cầu với người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… là Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Các chức danh này cũng phải đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tất cả các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định này, phải đảm bảo “tốt nghiệp đại học trở lên”.

Ngoài ra, một số tiêu chuẩn về trình độ và kinh nghiệm công tác còn được áp dụng đối với từng vị trí công việc cụ thể.

Chức danh Thứ trưởng phải đảm bảo điều kiện đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.

Về kinh nghiệm công tác, muốn làm Thứ trưởng thì phải có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Tổng Cục trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Đảng, Quốc hội; hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; hoặc Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đặc biệt thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ…

Đặc biệt, dự thảo Nghị định nhấn mạnh điều kiện về trình độ ngoại ngữ của chức danh Thứ trưởng: sử đụng dược ít nhất một ngoại ngữ thông dụng (Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) trình độ cao cấp bậc 6 trở lên hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

Các chức danh Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng cấp Bộ và Giám đốc Sở cũng phải đảm bảo các điều kiện cơ bản như đối với Thứ trưởng nhưng yêu cầu thấp hơn một bậc về trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác.

P.Thảo