Thứ trưởng Ngoại giao nói về gần 600 chuyến bay đưa người Việt về nước
(Dân trí) - "Việc tổ chức các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước trong hai năm qua đã được thực hiện đồng bộ, đặc biệt chú trọng ưu tiên những người dễ bị tổn thương, người gặp khó khăn, bị trục xuất...".
Ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết như vậy, khi đề cập tới công tác bảo hộ công dân năm 2021, trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, cần phải "nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân". Nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo này của Đại hội XIII, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân.
Năm 2021, tình hình đại dịch Covid-19 có những diễn biến khó lường, phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua luôn được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thực hiện thường xuyên, kịp thời.
"Điểm sáng là việc tổ chức các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước trong hai năm qua đã được thực hiện đồng bộ, nề nếp, đáp ứng tốt nhu cầu về nước của công dân, đặc biệt chú trọng sớm đưa về các trường hợp công dân dễ bị tổn thương, gặp khó khăn, bị trục xuất..." - ông Dũng nói và thông tin, năm 2021 Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 130.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, cách ly tại các cơ sở quân đội hoặc tại cơ sở dân sự của các địa phương; góp phần giải quyết nhu cầu về nước của công dân.
Theo ông Dũng, hệ thống các cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng luôn sẵn sàng và thường trực triển khai công tác bảo hộ công dân. Nghị quyết của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 được tổ chức vào tháng 12/2021 đã quán triệt, cần triển khai toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn nữa công tác bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện sẽ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả và khả năng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài, ông Dũng cho rằng cần làm tốt một số nhiệm vụ.
"Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng chủ trương chính sách về bảo hộ công dân; phối hợp ứng phó, xử lý tốt những vụ việc khủng hoảng về bảo hộ công dân. Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của công tác lãnh sự ở ngoài nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng kịp thời các nhu cầu của công dân về giấy tờ, thủ tục ở nước ngoài để tạo điều kiện cho bà con có địa vị pháp lý, làm ăn sinh sống và hòa nhập với cuộc sống ở sở tại. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngoại giao, cán bộ lãnh sự ở trong và ngoài nước có phẩm chất, năng lực vững vàng, ngang tầm nhiệm vụ..." - ông Dũng nhấn mạnh.
Tháng 10/2021, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Lãnh sự danh dự (LSDD) của Việt Nam ở nước ngoài. Mạng lưới LSDD Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận, cũng như triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho hay, kể từ năm 1994 cho tới nay Việt Nam đã bổ nhiệm 46 LSDD Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có 34 LSDD đang hoạt động. Nhìn chung, các LSDD hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, tích cực bảo hộ công dân. Các LSDD cũng giúp cung cấp thông tin cho CQĐD, công dân Việt Nam trong khu vực lãnh sự, hỗ trợ các hoạt động của CQĐD, đón và thu xếp chương trình làm việc cho các đoàn công tác của Việt Nam, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.