1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thứ trưởng GD-ĐT: Hội đồng chủ biên SGK Cánh Diều đang xem lại từng vấn đề

Quang Phong

(Dân trí) - "Sách biên soạn lần đầu không tránh được hết những sơ suất... Hội đồng thẩm định cũng đang làm việc, xem xét lại từng vấn đề”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nói.

Sáng 9/11, bên hành lang Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, thực tế các em học sinh lớp 1 đang rất hào hứng với việc học sách Tiếng Việt theo chương trình mới.

“Các cháu học ghép âm, ghép vần nhanh hơn trước rất nhiều. Ngay cả cháu nội tôi đang học bộ sách Cánh Diều, bố mẹ cháu cảm thấy thoải mái, không phải kèm cặp cháu nhiều”, bà Minh nói.

- Sau nửa kỳ học, bà thấy cháu nội mình thích ứng thế nào với chương trình sách giáo khoa mới?

- Cháu nội tôi rất vui, rất hào hứng khi học Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Với việc ghép âm, ghép vần, cháu học rất nhanh, mà mẹ cháu cũng không phải kèm cặp gì cả. Hơn nữa, cô cũng không giao bài tập về nhà nên các cháu cũng thoải mái.

Theo yêu cầu việc ghép âm, ghép vần có phần nào chưa phù hợp thì các thầy cô có thể tham khảo ở sách khác. Đây hoàn toàn là quyền tự chủ của các cô, chứ không như trước đây với chủ đề này thì chỉ dạy trong một bài hay trong tiết đó. Nếu các em chưa tiếp thu được thì các cô hoàn toàn có thể dạy sang tiết thứ 2, tiết thứ 3. Bởi thực tế có em tiếp thu bài tốt, có em chưa tốt, thì cô phải có phương pháp linh hoạt với từng em.

Thứ trưởng GD-ĐT: Hội đồng chủ biên SGK Cánh Diều đang xem lại từng vấn đề - 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ về bộ sách giáo khoa mới bên hành lang Quốc hội.

- Nhưng thời gian qua, rất nhiều phụ huynh đã lên tiếng cho là phải “đánh vật” cùng con em mình học chương trình sách giáo khoa mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ vấn đề này thế nào với phụ huynh, học sinh?

- Thực tế cũng có những suy nghĩ như vậy, những lo lắng của phụ huynh học sinh là chính đáng. Nhận thức là cả một quá trình nên theo tôi phụ huynh không nên lo lắng quá như vậy, đừng quá áp lực với con em mình, bắt các em phải đọc viết được ngay.

Vấn đề này, tôi mong phụ huynh nên bình tĩnh. Ngay kể cả cháu nội tôi cũng thế, không phải bài nào cháu cũng giỏi. Nhưng quá trình tôi theo dõi và nhận thấy với các chương trình đặt ra cháu đều bám theo được là được rồi, chứ không phải cháu cứ trội nhất lớp, giỏi nhất lớp.

Ngoài việc phụ huynh không nên gây áp lực với con em mình thì giáo viên cũng phải nhận thức được vấn đề này. Giáo viên không nên giao bài tập về nhà để cho phụ huynh quá lo lắng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn gửi các địa phương nhắc nhở về vấn đề này.

- Buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội vào ngày 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc nhóm Cánh Diều có lỗi, có sạn. Thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khắc phục những vấn đề này thế nào?

- Bộ sách giáo khoa Cánh Diều có sạn, có một số cái sai, nhưng điều đó vẫn hoàn toàn phù hợp với các thông tư quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, vì sách giáo khoa không phải là pháp lệnh nên hội đồng và các chủ biên cố gắng tối đa để sao cho cái sai đó ít nhất.

Thực tế, sách biên soạn lần đầu cũng không tránh được hết những sơ suất. Nhưng tính cầu thị của hội đồng chủ biên cũng đã rõ, và hội đồng thẩm định cũng đang làm việc, xem xét lại từng vấn đề. Trong quá trình làm việc, cái gì sai, cái gì đúng cũng đã được hội đồng đưa ra. Một số vấn đề chưa thật phù hợp với lứa tuổi sẽ có những điều chỉnh để đạt kết quả tốt nhất. Hội đồng cũng đang làm việc và phải hoàn thành trước 15/11.

- Theo các đại biểu phản ánh, việc vừa dạy học vừa tìm bài giảng phù hợp cho học sinh nằm trong 5 bộ sách là rất khó khăn, thưa bà?

- Sự lo lắng của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua có phần hơi nặng quá. Tôi cũng đã tranh luận về vấn đề này, điều đó thể hiện rằng, tuy chia sẻ với đại biểu Quốc hội, nhưng cũng mong đại biểu chia sẻ với ngành, với thầy cô, với cả học trò. Bởi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình bồi dưỡng, tiếp cận sách giáo khoa mới của các thầy cô, đặc biệt là sách lớp 1. Việc các em 5 tuổi không đi học khoảng 6 tháng cũng ảnh hưởng đến đầu vào học sinh lớp 1.

Đó là những khó khăn, nhưng nó đang được khắc phục bằng những nỗ lực của các thầy cô. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận chương trình sách giáo khoa bám theo cả 5 bộ sách chứ không nhất thiết phải dạy cứng theo đúng một bài. Lần này, sách giáo khoa được biên soạn theo chủ đề chứ không phải biên soạn theo từng bài, từng tiết. Và học sinh không phải em nào cũng có khả năng tiếp thu như nhau, nên chúng ta phát triển năng lực, phẩm chất người học, chúng ta phải quan tâm đến từng học sinh trong lớp.

- Xin cảm ơn bà!