Thứ trưởng Bộ Y tế nói về chùm ca Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ

Phương Thảo

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong ngày 5/5, Việt Nam ghi nhận 26 ca Covid-19 mới, trong đó riêng buổi chiều, chùm ca bệnh Covid-19 đã được xác định tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin chung về tình hình dịch diễn biến dịch bệnh trên toàn thế giới, tại điểm nóng Ấn Độ cũng như Việt Nam. Trong ngày 5/5, Việt Nam ghi nhận 26 ca bệnh mới, trong đó, riêng buổi chiều đã có 14 ca dương tính tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được khẳng định.

Ngay sau khi có thông tin này, Bộ trưởng Y tế đã quyết định ký lệnh cách ly bệnh viện này từ ngày hôm nay, 5/5, thực hiện quy trình kiểm soát nội bất xuất, ngoại bất nhập, ít nhất trong 14 ngày tới.

Theo ông Thuấn, cũng từ diễn biến khó đoán định của dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế quyết định tăng thời hạn cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày từ ngày hôm nay.

Liên quan tới hoạt động chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: "Thủ tướng có nói một câu mà chúng tôi rất nhớ, đừng để vì một người lơ là làm cho cả hệ thống vất vả".

Thứ trưởng Bộ Y tế nói về chùm ca Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp báo (ảnh: Quốc Chính).

Với tinh thần theo dõi sát sao khi nhận định nguy cơ lớn xung quanh Việt Nam, các cấp lãnh đạo liên tiếp có văn bản chỉ đạo. Thứ trưởng Thuấn điểm lại, ngày 23/4, Thủ tướng cũng có công điện; ngày 27/4 có công điện của Thường trực Ban Bí thư; ngày 29/4 có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch… Các văn bản chỉ đạo, điều hành đều nhắm tới việc chấn chỉnh hoạt động phòng chống dịch trước một số biểu hiện lơ là, chủ quan của các bộ ngành, địa phương thời gian qua.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kể thêm, những cán bộ trong Ban chỉ đạo, Bộ Y tế… thường xuyên nhận điện thoại của Thủ tướng. "Thậm chí, trong đêm anh em chúng tôi vẫn phải để điện thoại ở chế độ chuông, không dám tắt vì thường xuyên nhận điện thoại của Thủ tướng, dù là 1-2 giờ sáng, để chỉ đạo với những diễn biến của tình hình dịch bệnh" - ông Thuấn nói.

Từ thực tế đặc điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay đều từ người nhập cảnh không tuân thủ đầy đủ quy định cách ly, vấn đề đặt ra với những người chủ trì họp báo là tới đây, Việt Nam có tiếp tục cho đón chuyên gia nước ngoài, làm sao để phân biệt chuyên gia với người nhập cảnh, tránh trà trộn?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu nguyên tắc, Việt Nam chủ trương không cấm chuyên gia, nhà đầu tư nhưng trước hết đơn vị, tỉnh thành, bộ ngành đề xuất cho người nhập cảnh phải chứng minh được tính phù hợp của yêu cầu, việc đón người vào mang lại hiệu quả thực sự cho công việc.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác gồm đại diện 5 cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT để xem xét, cân nhắc, tùy trường hợp mà quyết định cho chuyên gia vào để ngoài hiệu quả còn phải đảm bảo an toàn.

Với nội dung khác đề ra về phương án hộ chiếu vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế xác nhận đã có chỉ đạo về việc chuẩn bị hướng triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng phân tích, đây là vấn đề vẫn đang được nghiên cứu, xem xét một cách dè dặt ở nhiều nước. Quan điểm chuyên môn được đưa ra, hộ chiếu vắc xin chỉ nên được áp dụng ở những nước gần đạt mức miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% người dân đã được tiêm chủng.

Ngoài ra, theo ông Thuấn, chưa có tài liệu, căn cứ nào chứng minh được tính hiệu quả của việc áp dụng hộ chiếu vắc xin vì đến nay vẫn chưa có loại vắc xin nào có thể khẳng định hiệu quả 100%.

Vì vậy, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin sẽ được quyết định với quan điểm là xác định thời gian phù hợp, với nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn.

Ông Thuấn khuyến cáo, bên cạnh việc nỗ lực triển khai tiêm phòng thì quan trọng vẫn là thực hiện quy định 5K. Đó là cách làm mang lại hiệu quả cho công cuộc chống dịch tại Việt Nam thời gian qua.

Về vấn đề nhập khẩu và sản xuất vắc xin, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh quan điểm, cố gắng tiếp cận bằng mọi cách để có nguồn vắc xin, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong năm 2021 tới đầu 2022, dự kiến sẽ có một số nguồn như COVAX: 38 triệu liều, cơ bản đủ cho đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đàm phán mua thêm 30 triệu liều vắc xin Astra Zeneca của Anh, cố gắng có thêm 31 triệu liều vắc xin Pfize, 2 triệu liều vắc xin Sputnik V từ viện trợ khác của Nga.

"Gần đây có thông tin đáng mừng là Việt Nam được chấp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin khác từ Nhật, Nga. Tới đây các lãnh đạo Bộ sẽ tới 2 nước này để đàm phán cụ thể. WHO và các đối tác cũng đồng ý bàn giao công nhận sản xuất vắc xin MRNA cho Việt Nam" - ông Thuấn thông tin.