Thứ trưởng Bộ TN&MT: Bảng giá đất 5 năm đổi 1 lần chỉ khỏe cơ quan quản lý
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất 5 năm một lần sẽ không đáp ứng được nguyên tắc phù hợp giá thị trường. Nếu giữ nguyên sẽ không có lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chiều 15/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật đất đai sửa đổi. Buổi làm việc có nội dung chính xoay quanh các vấn đề về giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển mục đích sử dụng.
Sự kiện có sự tham dự của ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng đại diện các sở, ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Darryl Dong, Phó Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), nhìn nhận, việc cải cách, sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn, nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Luật Đất đai của Việt Nam còn có phần chưa thân thiện với doanh nghiệp và cần thiết phải thay đổi.
"Cần gỡ bỏ những nút thắt, có thêm ý tưởng mới để doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích hơn từ Luật Đất đai. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp Việt Nam bước lên hành trình chinh phục thế giới", lãnh đạo Tổ chức Tài chính Quốc tế bày tỏ.
Theo điều 154 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, công bố công khai để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, việc ban hành bảng giá đất hàng năm nên cân nhắc tính khả thi và phù hợp từng địa phương cụ thể. Vị luật sư đề nghị các cơ quan cân nhắc phương án cho các địa phương có đặc thù khác nhau, được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần hoặc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.
Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau giữa vấn đề bảng giá đất. Việc quy định bảng giá đất hàng năm không phải điều mới, mà đã có trong Luật Đất đai 2003. Sau đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc bảng giá đất có thời hạn 5 năm, dựa trên khung giá đất được Chính phủ quy định.
"Thực tế, thời gian qua, có những khu vực biến động giá đất vài trăm phần trăm trong 1 năm chứ không phải 5 năm. Bảng giá đất thời hạn 5 năm có sự lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai", Thứ trưởng Bộ TN&MT chỉ rõ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định việc bỏ khung giá đất, xây dựng giá đất trên cơ chế thị trường, phù hợp giá thị trường trong điều kiện bình thường. Ông Lê Minh Ngân đặt câu hỏi về giá trị thực tiễn của các bảng giá đất thời hạn 5 năm.
"Tôi nghĩ rằng, việc làm bảng giá đất 5 năm một lần thì chỉ khỏe cơ quan quản lý, cơ quan làm giá đất chứ không phải cho nhân dân, không phải cho doanh nghiệp. Các vị đưa ra lý do là không đủ nguồn lực, không đủ thời gian để làm, trong khi thực tế Luật Đất đai 2003 đã đưa ra. Việc làm bảng giá đất 5 năm một lần thì làm sao đáp ứng nguyên tắc phù hợp giá thị trường được", ông Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng phân tích, trong công tác xây dựng giá đất, điều khó nhất là làm bảng giá đất lần đầu tiên, cho năm đầu tiên của thời kỳ. Các năm tiếp theo không cần làm lại, mà trên cơ sở bảng giá đất đó, chuyên gia, nhà chuyên môn định giá sẽ bổ sung khu vực còn thiếu, điều chỉnh giá tại khu vực có biến động và giữ nguyên đối với những khu vực không có sự thay đổi.
Điểm khó tiếp theo là xây dựng hệ số điều chỉnh hàng năm. Để làm được điều này, cần có một cơ quan theo dõi biến động và cập nhật biến động theo chu kỳ.
Đối với một số ý kiến về việc cần bổ sung các loại cây trồng lâu năm của người dân vào danh mục tài sản gắn liền với đất, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc bổ sung này cần cân nhắc. Điều này chỉ thực hiện được khi cơ quan quản lý Nhà nước có đủ lực lượng.
"Để bảo hộ quyền sở hữu cây lâu năm, cơ quan quản lý cần có lực lượng để xem lại người sở hữu có chặt đi bán lẻ hay không. Cơ quan cấp giấy chứng nhận sở hữu cho mấy nghìn cây lâu năm có đủ lực lượng xác minh biến động tài sản hay chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí người đăng ký. Luật Đất đai không thể giải quyết tất cả mối quan hệ trong xã hội", ông Lê Minh Ngân nêu quan điểm.