1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

19 tỉnh, thành phía Nam bàn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Phạm Tâm Nguyễn Cường

(Dân trí) - Ngày 14/3, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện 19 tỉnh, thành phía Nam.

Việc lấy ý kiến đóng góp phát huy trí tuệ của nhân dân

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội đặc biệt quan tâm, đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khẳng định vai trò đất đai trong mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với nhân dân.

19 tỉnh, thành phía Nam bàn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - 1

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai sửa đổi diễn ra tại Cần Thơ ngày 14/3 (Ảnh: Phạm Tâm).

"Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân phát huy trí tuệ, đóng góp của nhân dân đưa thực tiễn và yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống đối với vấn đề quản lý đất đai vào dự thảo luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, tại các tỉnh phía Nam, đất đai là lĩnh vực hết sức quan trọng, nóng bỏng trước yêu cầu cấp thiết là giải phóng nguồn lực đất đai, đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tốt hơn, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề đặc thù về lịch sử, điều kiện tự nhiên liên quan đến nguồn gốc hình thành, mối quan hệ đất đai, ở các tỉnh phía Nam như: Hạn điền; hạn mức chuyển nhượng; chuyển dịch đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, hỗ trợ; quyền sử dụng đất ở gắn với đất vườn, ao, hồ; sử dụng đất đa mục đích, đất hỗn hợp để khai thác hiệu quả đất đai…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang có tốc độ chuyển dịch đất nông nghiệp rất nhanh gắn với quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

19 tỉnh, thành phía Nam bàn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Tâm).

Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán hợp lý chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, phù hợp để vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Thu hồi đất nông nghiệp phải đảm bảo lợi ích cho công - viên chức

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị bỏ quy định chỉ hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất trong Luật Đất đai (sửa đổi). Có những người là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cha mẹ để lại đất nông nghiệp khi bị thu hồi đã không được hỗ trợ, dẫn đến thiệt thòi, bất cập.

"Trong khi đặc thù của ĐBSCL nói chung có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ", ông Trường nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với đề xuất của ông Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, cho rằng nhiều cán bộ, công chức sau khi tan sở đã tham gia canh tác, trồng cây, nuôi cá trên mảnh đất được cha mẹ để lại.

Tuy nhiên vì những người này được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không được coi là lao động trực tiếp trên đất, khi thu hồi đất đã không được hỗ trợ, thiệt thòi so với những nhóm đối tượng khác.

19 tỉnh, thành phía Nam bàn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh khác tại hội nghị cũng bày tỏ cùng quan điểm với ý kiến của đại diện tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long.

Định giábồi thường phải thỏa đáng

Góp ý về quy định thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, định giá bồi thường phải thỏa đáng, sát giá trị thị trường; tái định cư phải triển khai trước, kết nối hạ tầng điều kiện sống của người dân bị thu hồi đất. "Nếu thực hiện đúng như quy định trong dự thảo luật thì việc thực hiện thu hồi đất sẽ khả thi, thuận lợi", ông Giàu nhấn mạnh.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thực tế ở địa phương có nhiều dự án nhận chuyển nhượng bị ách tắc khi chỉ có khoảng 20% hộ dân không chấp nhận phương án thỏa thuận bồi thường. Thậm chí có những dự án bị đình trệ chỉ vì một vài hộ dân nhất quyết không chuyển đi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất luật đất đai sửa đổi sẽ áp dụng quy định Nhà nước tham gia cưỡng chế đối với những hộ dân này.

Về bồi thường hỗ trợ và tái định cư, ông Cận nêu quan điểm Luật cần quy định rõ tiêu chí để so sánh "việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", ông Cận nói.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cũng đề xuất Luật đất đai sửa đổi cần xem xét thời gian thay đổi bảng giá đất. Giá đất biến động nhanh, nhiều nơi có thể tăng gấp đôi trong 1 năm, nhưng luật quy định sau 5 năm mới cập nhật bảng giá mới gây bất cập, bất ổn xã hội.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến góp ý của nhân dân rất quan trọng, là cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để xem xét bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện đúng mục tiêu yêu cầu của đợt lấy ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1-15/3/2023. Ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu là cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành liên quan tổng hợp và sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.